Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:17 (GMT +7)
Sau camera gắn người, nên ứng dụng công nghệ gì để quản lý giao thông?
Thứ 5, 09/01/2025 | 07:39:23 [GMT +7] A A
Camera gắn trên người CSGT giúp người dân có thể xem lại hình ảnh lỗi vi phạm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông.
Mới đây, các cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội đã được trang bị các thiết bị camera cầm tay, gắn người để phục vụ cho việc giám sát, xử lý vi phạm giao thông.
Đây là loại camera nghiệp vụ do Bộ Công an cấp phát. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, còn nhiều công nghệ khác có thể được ứng dụng vào quản lý giao thông.
Theo ông Lê Tuấn Khôi, Giám đốc công ty phát triển camera MK Vision, camera gắn người đã được cảnh sát Anh sử dụng đầu tiên vào năm 2005 và đến nay đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Những quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc đã đưa việc sử dụng camera gắn người vào luật. Họ cũng có thông tư hướng dẫn cụ thể về quy trình sử dụng và trích xuất dữ liệu từ camera gắn người”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Với những lợi ích mang lại, camera gắn người không chỉ ứng dụng giới hạn ở lực lượng công an, cảnh sát mà còn được nhiều nước áp dụng cho lĩnh vực y tế, bán hàng, khách sạn và du lịch, dịch vụ công…
Khi được hỏi về những công nghệ có thể ứng dụng vào việc quản lý giao thông, chuyên gia Lê Tuấn Khôi cho hay, những loại camera đời mới còn có khả năng xử lý AI để hỗ trợ trong quá trình nhận diện và cảnh báo vi phạm.
“Số lượng camera phục vụ xử phạt giao thông sẽ tăng đáng kể trong tương lai. Điều này giúp mở rộng phạm vi thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT. Việc sử dụng camera công nghệ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, minh bạch trong xử lý các vi phạm, đồng thời lan tỏa thông điệp về văn hóa khi tham gia giao thông cho người dân”, ông Khôi nói
Theo ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc Dự án Vconnex, việc lực lượng cảnh CSGT ứng dụng các thiết bị công nghệ như camera cầm tay, gắn người trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông là một xu hướng đáng chú ý.
Từ góc độ công nghệ, việc CSGT sử dụng camera cầm tay trong quá trình giám sát giao thông là một bước tiến lớn. Ưu điểm của việc sử dụng camera cầm tay, gắn người trong công việc của CSGT là tăng tính minh bạch, nâng cao hiệu quả xử lý, mở rộng phạm vi giám sát và hỗ trợ công tác điều tra.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai thiết bị này cũng đặt ra một số thách thức như vấn đề bảo mật dữ liệu, chất lượng hình ảnh và chi phí đầu tư.
“Để phát huy tối đa hiệu quả của công nghệ, cơ quan chức năng cần tổ chức các khóa đào tạo bài bản, nâng cao năng lực cho lực lượng CSGT. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các thiết bị camera đạt chuẩn, có độ bền cao, tích hợp các công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật tốt và thân thiện với người dùng”, ông Dũng nhận định.
Chuyên gia về chuyển đổi số và công nghệ IoT Bùi Tiến Dũng cho hay, trong tương lai, lực lượng CSGT có thể ứng dụng thêm nhiều công nghệ mới để việc quản lý giao thông được tốt hơn.
Có thể kể đến các giải pháp giám sát giao thông thông minh như camera AI tích hợp IoT, drone giám sát giao thông hay hệ thống radar IoT đo tốc độ.
Lực lượng CSGT có thể xây dựng ứng dụng điều hướng giao thông thông minh, cung cấp thông tin về tình trạng giao thông theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu từ IoT (cảm biến, camera), từ đó giúp người dân lựa chọn tuyến đường tối ưu, tránh ùn tắc.
Công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cũng có thể được áp dụng nhằm dự báo giao thông và xác định điểm đen tai nạn thông qua việc phân tích lượng lớn dữ liệu từ camera, cảm biến và thiết bị di động.
Dữ liệu thu thập được sẽ giúp cơ quan chức năng đánh giá tác động của các biện pháp quản lý giao thông hiện tại, từ đó điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Trong tương lai, chuyên gia của Vconnex gợi ý, Việt Nam cần triển khai thêm các hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, kết nối IoT, có thể tự động điều chỉnh thời gian đèn dựa trên lưu lượng xe tại các giao lộ. Điều này giúp tối ưu hóa luồng giao thông và giảm thời gian chờ đợi.
Công nghệ Blockchain cũng có thể được sử dụng để lưu trữ dữ liệu vi phạm giao thông, đảm bảo tính minh bạch, không thể chỉnh sửa và dễ dàng truy xuất.
Người tham gia giao thông và lực lượng CSGT nên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống thông qua việc áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()