Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:38 (GMT +7)
Sạt lở đất đã bộc lộ lỗ hổng về quản lý đô thị Đà Lạt
Thứ 7, 15/07/2023 | 15:12:51 [GMT +7] A A
Sau khi xảy ra các sự cố về sạt lở, ngập lụt tại Đà Lạt đã bộc lộ các lỗ hổng về công tác quản lý đô thị. Bên cạnh việc khắc phục các sự cố nghiêm trọng nói trên, chính quyền TP Đà Lạt đang xây dựng các giải pháp để quản lý đô thị hiệu quả.
Khẩn trương gia cố taluy những vị trí nguy hiểm
Sau sự cố sạt lở khiến 2 người chết, chính quyền TP Đà Lạt đã cơ bản khắc phục hậu quả.
Theo đó, chính quyền đã tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm đồng thời dừng việc cấp phép xây dựng tại những khu vực có taluy âm/dương cao, độ dốc lớn, nơi có địa hình chênh lệch mạnh.
Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt - thông tin thêm, hiện nay các hộ dân tại khu vực đường Yên Thế, Hoàng Hoa Thám di dời sau sự cố sạt lở đã quay trở về nhà.
Song song với việc khắc phục sự cố, lãnh đạo TP Đà Lạt cũng yêu cầu Công an TP Đà Lạt khẩn trương điều tra vụ sạt lở khiến 2 người chết. Quan điểm của TP Đà Lạt là không bao che, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.
“Công an đang tiếp tục làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ sạt lở này. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ khởi tố” - ông Đặng Quang Tú nói.
Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - thông tin thêm, đến nay sở đã có báo cáo nguyên nhân sơ bộ của vụ sạt lở ở Đà Lạt. Ông Trung cho biết, trong giải pháp thi công của công trình nói trên đã thiếu che chắn cộng mưa cục bộ nên áp lực bờ taluy không vững, phá vỡ kết cấu, sạt lở. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm điều tra, nguyên nhân sự cố.
Chính quyền nhiều lần cảnh báo thiên tai
Nói về sự cố sạt lở ở Đà Lạt, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - nêu quan điểm, chủ đất này quá tham. Từ 2 thửa đất ban đầu, người này đã đổ bờ taluy để chia ra làm 4 lô. Cũng theo ông Phạm S, với thực tế mưa liên tục vào thời điểm trước khi xảy ra sự cố (160mm) thì không sạt trong tháng 6, đến tháng 8 cũng sẽ bị sạt lở.
Đến nay có rất nhiều ý kiến về việc các chuyên gia, nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo các rủi ro về thời tiết tại Đà Lạt. Tuy nhiên, việc địa phương lập quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập trong đó có xây dựng dồn nén trong khu vực nội đô đã gây nên tình trạng thiên tai cực đoan.
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, còn nhiều dấu hiệu bất thường đang được làm rõ tại khu vực sạt lở ở Đà Lạt. Cụ thể, khu đất xảy ra sạt lở có 4 chủ sở hữu, trong đó 3 người được cấp giấy phép xây dựng cùng một ngày, người còn lại được cấp giấy phép sau đó không lâu. Chính vì thế, địa phương sẽ tập trung làm rõ mối quan hệ, liên hệ giữa các hộ dân này.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra sơ bộ thì công trình mái taluy không tuân thủ các quy định theo nội dung văn bản số 41 trước đó. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng quy định chiều cao tối đa của bờ taluy là 4m, tuy nhiên chiều cao thực tế của bờ taluy cao hơn, có vị trí cao tới 4,7m.
Nói về các vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là những tai nạn đáng tiếc nhưng đã được dự báo từ trước.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, ngay từ đầu năm, tỉnh đã có những văn bản đề nghị bảo đảm an toàn khi xây dựng các công trình. Tỉnh đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai chứ hoàn toàn không bị động. Còn về góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia về lập quy hoạch TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng luôn lắng nghe và trân trọng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()