Trong biên bản ghi nhớ giữa hai bên được ký ngày 11/4, ngoài trục chính, tuyến có các nhánh cập bờ tại Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Cáp sử dụng với cấu hình 8 cặp sợi (08FP) với công nghệ ghép bước sóng được đánh giá hiện đại nhất hiện nay.
Đây là tuyến cáp trực tiếp đầu tiên do một đơn vị Việt Nam và Singapore cùng xây dựng, là tuyến ngắn nhất kết nối Việt Nam tới trung tâm dữ liệu lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Ooi Seng Keat, Phó chủ tịch Singtel, đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới, với các doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng sử dụng nhiều dữ liệu.
"Việc xây dựng tuyến cáp VTS sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối băng thông cao hơn và độ trễ thấp hơn" ông Seng Keat nói.
Hai bên chưa công bố cụ thể dung lượng của tuyến, nhưng cho biết "sẽ bổ sung hàng trăm Tbps" vào tổng dung lượng quốc tế của đơn vị này, đồng thời mở ra một hướng kết nối mới, giúp nâng cao tính dự phòng, an toàn mạng lưới cho hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam.
Theo chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub). Để thực hiện, Việt Nam cần nâng tổng số cáp quang biển lên tối thiểu 15 tuyến với tổng dung lượng đạt tối thiểu 334 Tbps, trong đó cần ít nhất hai tuyến do doanh nghiệp Việt làm chủ, ưu tiên tuyến ngắn và kết nối trực tiếp tới các Digital Hub lớn trong khu vực châu Á.
Việt Nam hiện sử dụng năm tuyến cáp quang biển. Tuy nhiên, những tuyến này đều do các liên minh vận hành nên thường xuyên gặp khó khăn khi cần xử lý sự cố. Trước đó, Viettel cũng công bố đầu tư vào các tuyến cáp gồm Asia Direct Cable (ADC), Asia Link Cable (ALC).
Ý kiến ()