Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Sáng tạo nghệ thuật từ vật liệu tái chế
Chủ nhật, 07/04/2024 | 14:58:28 [GMT +7] A A
Xu hướng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật từ đồ tái chế đã xuất hiện và phát triển tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng từ nhiều năm trở lại đây. Từ những tác phẩm của mình, người sáng tạo nghệ thuật đã tìm ra những giá trị mới cho những vật liệu bị vứt bỏ, góp phần lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường và tái chế rác thải.
Dù chưa một ngày học về mỹ thuật, thiết kế nhưng với óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của mình, ông Nguyễn Đức Toàn (SN 1972) trú tại phường Cao Thắng (TP Hạ Long), đã biến những lốp xe cũ, tấm kính cường lực vỡ vốn bị bỏ đi trở thành những tác phẩm nghệ thuật có “102”. Mặc dù được làm bằng những vật liệu tái chế song mỗi tác phẩm nghệ thuật của ông Toàn đều được tái hiện chân thật, sinh động thông qua từng đường nét, chi tiết tỉ mỉ, thể hiện tâm huyết, sự kỳ công của tác giả.
Ông Nguyễn Đức Toàn chia sẻ: Từ khi về hưu có thời gian nên tôi mày mò, thử nghiệm. Đặc biệt, những sản phẩm này được làm thủ công nên đòi hỏi thời gian, tỉ mỉ, còn lại không mất nhiều chi phí bởi nguyên liệu chính là những lốp xe, tấm kính cường lực vỡ tôi hoàn toàn xin được từ các xưởng. Bạn bè tôi đến chơi đều yêu thích vì sự độc đáo, lại có ưu điểm bảo vệ môi trường, vì vậy cùng với làm quà tặng cho người thân, bạn bè, tôi cũng làm bán theo đặt hàng.
Theo ông Toàn, để làm ra những con vật từ lốp xe cũ cần khá nhiều công đoạn từ việc làm khung bằng sắt; vệ sinh, cắt, gọt những chiếc lốp xe cũ thành những miếng có kích thước phù hợp cho từng vị trí, bộ phận của con vật và cố định bằng đinh vít để tạo độ chắc chắn. Khó nhất và mất nhiều thời gian nhất đó là việc cắt tỉa lốp xe để tạo chi tiết mềm mại giúp con vật có thần thái giống thật. Đến nay, bộ sưu tập của ông Toàn gồm có: Đại bàng, King Kong, tê giác, khủng long, voi… với kích thước lớn, đặc biệt là mô hình khủng long với chiều dài gần 8m, chiều cao 3m và trọng lượng lên tới 480kg.
Không dừng lại với những chiếc lốp xe, sau một lần xem truyền hình biết về cách tạo ra các bức tranh bằng rác thủy tinh, ông Toàn lại mày mò nghiên cứu, thử nghiệm. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của mình, ông đã lựa chọn vật liệu tương tự là mảnh vỡ của tấm kính cường lực để tạo hình bức tranh, giúp tiết giảm công đoạn mài thủy tinh song vẫn mang đến cho bức tranh hiệu ứng nghệ thuật cao. Ông đã thực hiện những bức tranh đầy tính nghệ thuật từ đây, như tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những bức tranh về thiên nhiên….
Từ 3 năm trước, anh Hứa Duy Thanh (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) cũng bắt đầu hành trình hồi sinh rác thủy tinh thành những sản phẩm nghệ thuật ấn tượng. Để tạo nên những mảnh ghép thủy tinh hoàn thiện và tinh xảo như hiện nay, anh Thanh đã mất gần 3 năm để tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo ra công cụ để xử lý thủy tinh. Và từ đây, những bức tranh độc đáo, những sản phẩm trang trí, phụ kiện làm từ thủy tinh ra đời, như: Vòng cổ, vòng tay, móc treo chìa khóa…
Cùng với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mới lạ thì những sản phẩm được tạo ra từ vật liệu tái chế để phục vụ cho chính cuộc sống sinh hoạt, học tập, vui chơi hằng ngày của cộng đồng cũng ngày càng phổ biến, không chỉ cho thấy khả năng sáng tạo của con người là vô hạn khi chúng ta có đủ đam mê, đủ quyết tâm muốn góp thêm một hành động để bảo vệ môi trường.
Theo đó, mô hình chuyên sản xuất đồ tái chế từ rác thải nhựa của chị Trần Thị Hương tại phường Hà Khẩu (TP Hạ Long) đã duy trì hiệu quả từ năm 2019 đến nay. Thay vì là phế phẩm bỏ đi, những tấm pano, áp phích, vải vụn, chai, lọ, nhựa, thùng sơn, lốp xe… qua bàn tay khéo léo của những người thợ tại Hợp tác xã Green Life Hạ Long đã được hồi sinh, có thêm một vòng đời ý nghĩa, trở thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống như túi xách, sổ tay, thùng rác phân loại rác thải, chậu hoa... Cơ sở sản xuất của chị còn trở thành điểm đến trải nghiệm, học tập của học sinh, khách du lịch khi tìm hiểu về các hoạt động tái chế rác, bảo vệ môi trường.
Đó còn là mô hình “Hành trình thứ hai của lốp xe” - sử dụng, tái chế lốp xe đã qua sử dụng làm ra các công trình vui chơi cho thiếu nhi của các cấp bộ Đoàn; là mô hình “Biến rác thải thành tiền” của các cấp Hội Phụ nữ thông qua các tổ đan chổi, làn đi chợ tái chế…..
Khi rác bị bỏ đi cũng là một nguồn tài nguyên, khi cái đẹp được sinh ra từ rác, lại mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh của chúng ta thì nó đã trở nên hoàn hảo. Hy vọng, những sản phẩm được tạo ra từ vật liệu tái chế nói chung và những sáng tạo nghệ thuật từ vật liệu tái chế nói riêng sẽ tiếp tục được đón nhận, yêu thích. Từ đó, truyền cảm hứng về tinh thần “sống xanh” trong cộng đồng, góp phần chung tay vì một hành tinh mãi xanh cho hôm nay và mai sau.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()