Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:26 (GMT +7)
Sáng tạo nghệ thuật từ những vật liệu tái chế
Thứ 7, 07/08/2021 | 09:44:31 [GMT +7] A A
Tái chế đồ cũ là xu hướng đang ngày càng lan tỏa, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19 đang buộc nhiều người sống chậm lại. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nhiều sản phẩm mỹ nghệ và thời trang độc đáo được làm từ vật liệu tái chế, từ món đồ cũ còn mang trong nó những câu chuyện về thiên nhiên, về con người...
Cuộc đời mới cho những thứ đã cũ
Khi nhìn ngắm, cầm trên tay những bức tranh, tượng trâu, tượng voi, bình hoa, bộ bát đĩa bày bàn ăn, hay cả một dãy nhà cổ Hội An… được tạo hình và tô mầu đẹp mắt của anh Lê Ngọc Thuận (TP Hội An, Quảng Nam), ít ai biết những món đồ gỗ tinh xảo này từng là củi lụt, gỗ thải nhếch nhác, lăn lóc ở bờ sông, bờ biển. Anh Thuận, thường được gọi với cái tên "Thuận An Bàng" vì là người góp công lớn xây dựng làng chài homestay An Bàng nổi tiếng, nay có thêm tên gọi Thuận "củi lụt". Sinh ra và lớn lên ở Hội An, gần như cả cuộc đời anh gắn bó với ngành du lịch, dịch vụ ở vùng đất này. Hơn một năm qua, dịch Covid-19 cùng những trận bão, lũ liên miên khiến Hội An vắng bóng du khách. Không chịu thua, anh Thuận cố gắng tìm tòi hướng đi mới cho công việc và những con người trong cộng đồng quanh mình. Từ một lần thu gom rác thải, củi lụt ở bãi biển Cửa Đại, anh tạo ra một bức tranh gỗ hình những khuôn mặt với nhiều sắc thái, mộc mạc nhưng vẫn nổi bật nhờ mầu sắc tự nhiên và vân gỗ độc đáo. Khi tranh được treo trang trí ở một nhà hàng, nó được nhiều khách cả Việt Nam và ngoại quốc chú ý, có người hỏi mua.
Đầu năm 2021, thương hiệu gỗ mỹ nghệ Coco Casa ra đời (Coco là viết tắt của sông Cổ Cò, casa là "ngôi nhà" trong tiếng Italia). Anh Thuận nói rằng đặt tên để du khách nước nào cũng thấy dễ đọc, dễ nhớ, đồng thời vẫn mang hàm ý về ngôi nhà êm đềm bên dòng sông thơ mộng của quê hương. Từ củi lụt trên sông Thu Bồn, gỗ thừa của làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An), anh Thuận cùng các cộng sự tạo ra nhiều sản phẩm đồ gia dụng, quà lưu niệm đẹp mắt, như tranh tường, tượng trang trí, chậu hoa, hộp đựng mỹ phẩm, bàn ghế, khay, đĩa… Hàng trăm năm qua, cư dân Hội An chứng kiến nước sông Thu Bồn dâng cao mỗi mùa mưa lũ, cuốn trôi những cây gỗ từ thượng nguồn đổ về cửa biển Cửa Đại. Những thân cây to, đẹp, nguyên khối có thể được nghệ nhân làng nghề mộc Kim Bồng thu gom, chế tác. Còn lại được dùng làm củi, hoặc nếu quá xấu sẽ chỉ là rác thải.
Còn bây giờ, với xưởng mỹ nghệ của anh Thuận, gỗ lụt "hóa thân" thành những sản phẩm mỹ nghệ hoặc tác phẩm nghệ thuật có giá từ vài trăm nghìn cho tới vài chục triệu đồng. Đơn hàng từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, quán cà-phê… ngày càng nhiều.
Còn đối với chị Hoàng Huệ (Hà Nội), niềm vui mỗi ngày là được nhận thật nhiều… đồ cũ mà khách gửi đến. Càng nhiều món đồ cũ được tái sinh cũng có nghĩa là càng giảm bớt áp lực sản xuất đồ mới, giảm gánh nặng rác thải cho môi trường. Từ đam mê thời trang và mong muốn theo đuổi lối tiêu dùng "xanh", chị Huệ sáng lập một dòng sản phẩm đặc biệt: làm túi xách, giày, ví, băng đô, hoa cài… từ quần áo, váy, thậm chí chăn cũ. Bộ sản phẩm tái chế đầu tiên của chị Huệ là túi xách, phụ kiện thời trang dành tặng mẹ mình, được tạo nên từ một chiếc vỏ chăn con công thời bao cấp, quà cưới được bà cất giữ cẩn thận nhiều năm. Món quà ý nghĩa tặng mẹ cũng đồng thời cho chị thêm ý tưởng sáng tạo.
Chỉ mới ra mắt vào tháng 3, cửa hàng nhỏ amReborn (Tôi tái sinh) của chị Huệ đã được cộng đồng yêu đồ thủ công, tái chế ở Hà Nội quan tâm và đánh giá cao. Tái chế quần áo không chỉ tiết kiệm hay kéo dài vòng đời cho món đồ, mà còn giúp mọi người lưu giữ kỷ vật theo một hình thức mới mẻ và thiết thực. Chị Huệ chia sẻ: "Mỗi sản phẩm đều mang theo kỷ niệm của chủ nhân. Từng có khách hàng mang đến chiếc áo bông của người cha đã mất, nhờ tôi làm thành chiếc túi để có thể sử dụng thường xuyên hơn, cảm thấy người thân yêu vẫn luôn ở gần. Hay là có những chiếc váy cưới, áo dài từng chất chứa yêu thương nhưng nay không mặc vừa nữa, họ cũng không muốn bỏ phí. Khách trao đồ cũ, nhận đồ mới, thường gửi kèm thiệp cảm ơn hoặc lời chúc rất cảm động. Đó là động lực lớn cho chúng tôi".
Nguyên vật liệu cũ tất nhiên cũng có những đặc điểm gây khó khăn cho quá trình thiết kế, tạo hình, chẳng hạn như khổ vải khác biệt, chất liệu co giãn không đều. Tuy nhiên, nhóm tái chế của chị Huệ luôn tỉ mẩn và chỉn chu khâu phân loại, làm sạch. Muốn sản phẩm hợp thời trang, bắt mắt hơn thì có thể đính đá, vẽ hoặc thêu, tùy theo yêu cầu của khách, nhưng hạn chế dùng thêm đồ mới mà cố gắng tận dụng tất cả những gì còn có thể tái chế. Một số món đồ trơn mầu hoặc quá đơn giản, khi khách đề nghị sáng tạo thêm, chị thường gợi ý những họa tiết thể hiện đặc trưng văn hóa, đậm chất Việt Nam như hoa sen, hoa cúc, nón lá, thiếu nữ, làng quê...
Không chỉ là một trào lưu
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của anh Lê Ngọc Thuận hay phụ kiện thời trang của chị Hoàng Huệ là những thí dụ cho dòng chảy mạnh mẽ của nghệ thuật tái chế trong đời sống. Nhìn ở góc độ môi trường hay văn hóa thì xu hướng này đang tạo ra nhiều giá trị tích cực.
Lê Ngọc Thuận cho biết, khi nhận thấy tiềm năng từ sản phẩm gỗ mỹ nghệ, anh đã về làng mộc Kim Bồng tìm thợ giỏi, đặt thử hàng mẫu. Những sản phẩm ấy khi đem giới thiệu ở một số hội chợ nông sản, du lịch thì được khách đón nhận nhiệt tình. Do đó dự án tái chế gỗ lụt Coco Casa có thể mở ra một hướng đi mới theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với nhu cầu trang trí, sắp đặt phong cách thân thiện với môi trường của rất nhiều cơ sở du lịch, dịch vụ trong vùng. Không chỉ thuần túy là một dòng sản phẩm mỹ nghệ, anh Thuận kỳ vọng xây dựng Coco Casa trở thành không gian ẩm thực - giải trí - nghệ thuật cho du khách và người dân địa phương. Ở đó, người tham gia có thể thưởng thức cảnh đẹp ven sông, ẩm thực phố Hội, nghe nhạc truyền thống lẫn hiện đại, và nhất là trải nghiệm nghệ thuật (xem tranh, tự vẽ tranh và làm đồ mộc thủ công mỹ nghệ). Với thông điệp bảo vệ môi trường, biến rác thải thành sản phẩm văn hóa - giáo dục, Lê Ngọc Thuận đã kết nối với một số cá nhân, doanh nghiệp để lập kế hoạch tạo sản phẩm sau khi du lịch phục hồi: mở lớp dạy mỹ thuật tái chế, điêu khắc và tô mầu lên gỗ, tổ chức hội chợ nghệ thuật - hàng thủ công Hội An...
Theo chị Hoàng Huệ, tái chế đang trỗi dậy trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, không riêng ở Việt Nam. Nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, con người càng có xu hướng tìm về thiên nhiên, ưa chuộng đồ thủ công. Chiến dịch tái sinh quần áo cũ mặc dù là để kinh doanh, nhưng vẫn phải giữ những tiêu chí riêng để sản phẩm bền vững, lâu dài. Đó là giá trị thẩm mỹ, để mọi người tự tin sử dụng hằng ngày. Đó là giá trị văn hóa và tinh thần, cố gắng giữ được nhiều nhất nguyên gốc và phù hợp với ý muốn, tính cách khách hàng. Và cuối cùng nhưng rất quan trọng là giá trị đối với môi trường. Dự án thời trang tái chế của chị tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có một số hoàn cảnh đặc biệt như người tự kỷ, người thuộc cộng đồng LGBT. Hiện tại, chị Hoàng Huệ đã bắt đầu phân phối sản phẩm của mình qua một số nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Etsy, Amazon. Nhóm của chị cũng đang nghiên cứu và sáng tạo thêm sản phẩm từ tre, nứa, hạt sinh học, bã cà-phê, bã mía...
Với nhận thức về bảo vệ môi trường tăng lên, nghệ thuật tái chế có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai. Nhiều dự án tái chế vì cộng đồng được thực hiện, một số trường học cũng đã đưa nội dung tái chế vào chương trình ngoại khóa hay tổ chức các cuộc thi cho học sinh. Đầu năm 2020, nhóm 16 họa sĩ đã sử dụng đồ cũ tái chế để biến góc phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vốn đầy rác trở nên sạch sẽ, sống động, trở thành một không gian nghệ thuật, một địa điểm công cộng đẹp của Hà Nội. Gần đây, Trường đại học Xây dựng phối hợp Tạp chí Kiến trúc, Văn phòng UNESCO Việt Nam và một số đại sứ quán tổ chức cuộc thi "Waste into Art" (Biến rác thành nghệ thuật), diễn ra từ 12/7 đến 14/8 nhằm cung cấp một chuỗi hoạt động đào tạo, tư vấn trực tuyến dành cho bạn trẻ yêu nghệ thuật và yêu môi trường, tìm kiếm các thiết kế tái chế rác thải thành công trình nghệ thuật ứng dụng. Tái sử dụng, giảm xả rác là việc mỗi cá nhân đều có thể chủ động làm được, và vấn đề môi trường có thể được giải quyết từ những hành động nhỏ của nhiều người. Tái chế vừa mang vẻ đẹp của nghệ thuật, vừa có vẻ đẹp nhân văn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()