Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:14 (GMT +7)
Tiên Yên: Duy trì đà tăng trưởng
Thứ 4, 14/12/2022 | 09:51:44 [GMT +7] A A
Với quan điểm phát triển lấy con người làm trung tâm, kết hợp hài hòa, đan xen phát triển giữa các vùng miền, thay đổi cơ cấu kinh tế, lao động việc làm, gìn giữ bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái..., huyện đã có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Bức tranh kinh tế nhiều màu sáng
Nhờ tạo được "lá chắn thép" trong phòng chống dịch, năm 2022 kinh tế của huyện phát triển ổn định. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt trên 460 tỷ đồng, tăng 118,8% so với năm 2021.Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt trên 1.166 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước.
Hoạt động thương mại dịch vụ và bưu chính viễn thông tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạnh. Tổng giá trị thương mại bán lẻ đạt 919,9 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2021. Lĩnh vực phục vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 132 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021. Khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt gần 600.000 tấn, tăng 14,2% so với năm 2021.
Để có được kết quả này, huyện xác định kiên trì thực hiện quan điểm lấy sản xuất nông nghiệp là nền tảng, ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới (NTM), phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái - văn hóa; chuyển dịch sản xuất thông qua thay đổi quy mô, phương thức thâm canh tăng vụ, gắn với nâng cao giá trị, tỷ trọng và thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh. Công tác bảo tồn, phát triển rừng, gắn với triển khai trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa lim, giổi, lát và cây phân tán thuộc dự án hiện đại hóa lâm nghiệp được huyện quan tâm đẩy mạnh...
Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, huyện thực hiện nghiêm việc phân bổ, điều chỉnh dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2022 và phương án sử dụng tăng thu, kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2021. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kiểm soát nguồn thu với nguyên tắc “trừ lùi kịch bản”. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 ước đạt trên 163 tỷ đồng, bằng 122% dự toán tỉnh giao, 105% dự toán sau điều chỉnh HĐND huyện giao, tăng 19,4% so với năm 2021.
Cuộc sống người dân tốt đẹp hơn
Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội. Trong năm 2022, huyện đã thực hiện hỗ trợ 6.325 đối tượng người có công, bảo trợ xã hội với số tiền 25,2 tỷ đồng; thăm, tặng quà 8.228 lượt đối tượng chính sách và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Huyện tạo việc làm mới tăng thêm cho 2.100 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 67% năm 2021 lên 83,4% năm 2022. Số hộ nghèo giảm từ 69 còn 26 hộ hiện nay; số hộ cận nghèo giảm từ 187 còn 93 hộ hiện nay. Huyện có 4 xã không còn hộ nghèo là Đại Dực, Yên Than, Điền Xá, Đông Hải; 57 thôn, khu không còn hộ nghèo.
Công tác tổ chức lễ hội, hoạt động văn hóa của huyện đã có nhiều nét mới, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Giáo dục và đào tạo đảm bảo tiến độ nội dung, chương trình năm học, chất lượng các mặt giáo dục đều tăng, nhất là phổ cập và giáo dục mũi nhọn. Huyện có học sinh đỗ thủ khoa Trường THPT Chuyên Hạ Long.
Huyện tổ chức thành công cuộc bầu cử trưởng thôn, khu phố, nhiệm kỳ 2022-2025 với tỷ lệ cử tri đi bầu và tỷ lệ phiếu bầu đạt cao. Sau sáp nhập thôn, khu phố, toàn huyện giảm từ 119 còn 76 thôn, khu phố.
Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Năm 2023 huyện đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, thành quả về phòng, chống dịch và mục tiêu tăng trưởng 2 con số; đảy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thương mại điện tử, hạ tầng liên kết vùng, thu hút nguồn lực đầu tư có trọng điểm. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân, củng cố niềm tin và đồng thuận xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, ổn định và phát triển…
Quỳnh Hương
Liên kết website
Ý kiến ()