Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:18 (GMT +7)
'Sáng đèn' - nỗ lực tái hiện gánh hát cải lương nhưng kịch bản yếu
Thứ 2, 25/03/2024 | 08:57:38 [GMT +7] A A
Phim có cố gắng trong việc tái hiện thời kỳ đáng nhớ của cải lương, song kịch bản vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
Đó nay, số lượng phim khai thác chất liệu văn hóa truyền thống vốn đã hiếm, song những tác phẩm nhận được phản hồi tích cực lại càng hiếm hơn. Song lang là trường hợp đặc biệt nhất trong vài năm trở lại đây. Không chỉ dùng cải lương để bày biện bên ngoài, đạo diễn Leon Quang Lê còn tạo được cốt truyện hướng tới việc đề cao giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Đáng tiếc, dù rất được lòng giới chuyên môn khi giành về hơn 20 giải thưởng, bộ phim vẫn trượt dài tại phòng vé. Tác phẩm chỉ thu về 5 tỷ, bằng một phần tư kinh phí sản xuất. Thời điểm đó, giới quan sát phòng vé nhận định Song lang thất bại vì thiếu yếu tố giải trí. Nói để thấy, việc khai thác các giá trị truyền thống vẫn luôn là thách thức lớn với các nhà làm phim Việt.
Quay trở lại thời điểm hiện tại, điện ảnh nội địa vừa đón chào Sáng đèn, một bộ phim mang đề tài cải lương có cách tiếp cận hoàn toàn khác với Song lang. Được cầm trịch bởi đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, tác phẩm có bầu không khí vui tươi, với nhiều câu đùa dí dỏm và những chi tiết hoài niệm.
Điểm yếu về kịch bản
Lấy bối cảnh miền Tây những năm 1990, Sáng đèn là câu chuyện về đoàn cải lương Viễn Phương. Trải qua tình trạng ế khách kéo dài nhiều năm, họ quyết định chuyển mình thành gánh hát với đủ thể loại xiếc, lô tô, ca múa nhạc để tồn tại và duy trì đam mê.
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực để sống với sân khấu, vận đen cứ liên tục bủa vây những con người ở đoàn hát, đẩy họ vào tình thế bi kịch. Có người vượt qua, có người bỏ cuộc và cũng có những người phải hy sinh bản thân vì những người khác. Song sau cùng, tình yêu nghệ thuật chính là thứ dìu dắt gánh hát đi qua những khắc nghiệt, để họ một lần nữa được đứng trên sân khấu, sống với đam mê của chính mình.
Với tầm nhìn tạo ra một tác phẩm dành cho đối tượng khán giả gia đình, Sáng đèn dày đặc những mảng miếng hài. Thêm vào đó, qua lối diễn xuất dí dỏm của dàn diễn viên gạo cội như NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, những khoảnh khắc chọc cười của phim lại càng thêm duyên dáng, dễ chịu.
Dễ thấy, đây chính là điểm mạnh nhất của Sáng đèn. Sự tươi vui kể trên rất phù hợp với không khí Tết, thời điểm mà tác phẩm dự định khởi chiếu ban đầu. Thế nên, việc rút khỏi rạp và dời lịch chiếu sang tháng 3 chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm xem của khán giả lẫn doanh thu của phim.
Về kịch bản, Sáng đèn được chấp bút bởi Tô Thiên Kiều, một trong những soạn giả tài năng nhất hiện tại. Song có lẽ, cô vẫn chưa quá quen thuộc với vai trò biên kịch điện ảnh. Tuy Sáng đèn sở hữu một ý tưởng giàu tiềm năng, tham vọng nhiều lớp lang cảm xúc, cách thể hiện lại có phần rời rạc, khó thuyết phục khán giả.
Chuyện phim không được phát triển theo chương hồi rõ ràng mà được kể dựa trên những biến cố. Cứ mỗi tai nạn đi qua sẽ có những điều không may khác chực chờ ập đến. Và những mâu thuẫn, xung đột đó cũng được giải quyết chóng vánh, thiếu thực tế.
Ngay từ đầu phim, khán giả đã được giới thiệu về những cảm xúc khó khăn và nỗi đau mất mẹ của Kiều Trúc Linh (Trúc Mây). Song ngay sau đó, chỉ qua một vài câu thoại của ông bầu (NSƯT Hữu Châu), cô đào trẻ đã lập tức có chuyển biến tâm lý, trở nên đứng đắn. Lối kể chuyện thiếu thuyết phục ấy được duy trì xuyên suốt phim.
Ngoài ra, vì không chia hồi, những yếu tố cơ bản của một tác phẩm điện ảnh như cá tính nhân vật, những mâu thuẫn và đặc biệt là thông điệp chủ đạo cũng không được hiện lên rõ ràng. Từ đó, bộ phim rơi vào cảnh trôi tuột, khó đọng lại.
Thêm vào đó, tác phẩm đã lựa chọn việc phát triển mà không tập trung vào bất kỳ nhân vật chính nào. Thời lượng phim được chia đều cho cả gánh hát với mỗi người là những câu chuyện khác nhau. Cách làm này tương đối mạo hiểm và cần sự chắc tay của biên kịch trong việc xây dựng những khoảnh khắc và viết thoại.
Tuy nhiên, vì sa đà vào các mảng miếng hài, tác phẩm đã không làm được điều này, từ đó dẫn đến tính cách của đa số nhân vật hiện lên nhạt nhòa, kém ấn tượng.
Nỗ lực tái hiện gánh hát xưa
Qua Sáng đèn, đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã cho thấy những nỗ lực của anh trong việc tái hiện gánh hát xưa. Từ khung cảnh những đứa trẻ xé tấm bạt, cố gắng xem lén các vở diễn, cho tới những bộ trang phục, những dàn cảnh sân khấu làng xã đậm chất thôn quê.
Những con người sống trong thời kỳ thoái trào của cải lương cũng được khắc họa chân thật. Là ông bầu với vẻ ngoài khắc khổ, nhưng đôi mắt luôn sáng rực rỡ mỗi khi nghe một câu hát hay. Hay như cô đào chánh Thanh Kim Yến (Lê Phương), ngậm ngùi đi chùi bóng, hát đám ma để nuôi đam mê. Và có cả chàng trai mang mộng kép chánh Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh), người luôn vui vẻ dù nhận vai lính không thoại, chấp nhận đi bốc vác kiếm tiền về cho gánh hát. Tất cả tạo nên một bức tranh chân thật, khơi gợi lại một thời khó khăn nhưng cũng đáng nhớ của cải lương.
Bên cạnh những điểm tích cực đó, đạo diễn có không ít hạn chế trong dàn cảnh và quay dựng. Phim cũng do đó mà chưa cho thấy ấn tượng về mặt thẩm mỹ. Lấy bối cảnh về miền Tây thập niên 1990, song những chi tiết về đời sống con người thời kỳ này chưa được tái hiện kỹ lưỡng. Máy quay chủ yếu tập trung vào các cảnh đồng ruộng, những nơi ít người.
Các vở diễn cũng được dàn dựng thiếu đầu tư, một số chi tiết quan trọng như người nhắc thoại lúc diễn và khung cảnh tập bài không được đưa vào.
Bên cạnh đó, những cảnh cận và trung khi nhân vật trò chuyện cũng được gán ghép lộn xộn, không rõ chủ ý. Cách quay phim cũng thiếu năng lượng, không bắt được nhiều chi tiết và tôn lên bầu không khí thiêng liêng của sân khấu.
Nhìn chung, Sáng đèn có cố gắng trong việc tái hiện thời kỳ đáng nhớ của cải lương, song vẫn chưa hoàn thiện.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()