Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:34 (GMT +7)
Sáng 9/7: Biến thể BA.5 lan rộng, ca COVID-19 nhiều nước tăng vọt; Việt Nam giám sát chặt, đẩy nhanh tiêm mũi 3 và 4
Thứ 7, 09/07/2022 | 08:16:37 [GMT +7] A A
Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới trong 4 ngày qua có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca so với mấy ngày trước đó. Biến thể BA.5 lan rộng, ca COVID-19 nhiều nước tăng vọt, ngành y tế và các địa phương tiếp tục giám sát chặt, đẩy nhanh tiêm mũi 3 và 4...
Bộ Y tế cho biết, ngày 8/7 có 800 ca mắc mới COVID-19; trong ngày có 8.755 ca khỏi, gấp hơn 10 lần số mắc mới; tiếp tục không có F0 tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.752.942 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.507 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi là: 9.749.865 trường hợp. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, giám sát có 31 trường hợp thở ô xy gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 26 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 1 ca. Con số này giảm hơn 4 trườh hợp so với ngày trước đó.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới trong 4 ngày qua có xu hướng tăng nhẹ khoảng 200 ca so với mấy ngày trước đó và chỉ ghi nhận 2 ca tử vong trong 7 ngày qua.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Do đó, các địa phương đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ để duy trì miễn dịch cộng đồng.
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023.
Người dân ở TP HCM có thể gửi phản ánh địa điểm có nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết qua ứng dụng "Y tế trực tuyến"
Ngày 8/7, Sở Y tế TP HCM cho biết đã cập nhật và bổ sung ứng dụng "Y tế trực tuyến" để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết
Cụ thể, người dân có thể chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ lăng quăng phản ánh lên ứng dụng "Y tế trực tuyến".
Người dân có thể cài đặt ứng dụng "Y tế trực tuyến", vào mục phản ánh vi phạm, và bấm vào mục phản ánh về tình hình thuốc và dịch bệnh để phản ánh.
Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin phản ánh của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.
Thời gian qua, TP HCM là một trong những điểm nóng về dịch sốt xuất huyết ở phía Nam.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()