Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:41 (GMT +7)
Sáng 5/1: Ca COVID-19 nặng tăng; Những biến thể phụ nào xuất hiện tại Việt Nam?
Thứ 5, 05/01/2023 | 08:33:52 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đang tăng nhẹ; Kết quả giải trình tự gen COVID-19 của hai miền Nam, Bắc năm 2022; Các đơn vị phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là các biến thể mới.
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng gần gấp 3
Bộ Y tế cho biết ngày 4/1 có 83 ca mắc COVID-19 và 24 bệnh nhân nặng đang thở oxy, thở máy. Những con số này cho thấy bệnh nhân nặng và ca mắc mới đều tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.525.491 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.474 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.611.389 ca, trong số hơn 850 nghìn bệnh nhân đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 24 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 19 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng gần gấp 3 so với ngày trước đó.
Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Kết quả giải trình tự gen ca bệnh COVID-19 ở nước ta
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa công bố kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện trên 526 bệnh nhân COVID-19, là những ca COVID-19 nhập viện từ ngày 1/7/2022 đến 25/12/2022. Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene.
Kết quả định danh cho thấy sự lưu hành của biến thể Omicron trong 6 tháng cuối năm và một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022. Nhóm nghiên cứu đánh giá, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (từ tháng 7 đến tháng 9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm.
Ngoài ra, kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể là 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%.
Sự dịch chuyển theo thời gian giữa các biến thể phụ của Omicron từ BA.5 sang BA.2.75 trên địa bàn TP.HCM là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Dựa vào diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua và kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9, nhóm nghiên cứu nhận định, tình hình COVID-19 của TP.HCM đang được kiểm soát tốt. Qua đó, thể hiện vai trò của vaccine COVID-19 trong việc bảo vệ bệnh nhân nặng và tử vong.
Tại miền Bắc, thông tin về tình hình giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 trong năm qua, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành khu vực miền bắc.
Kết quả cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022 tuyệt đại đa số là biến chủng Delta, từ cuối tháng 3 xuất hiện biến chủng Omicron. Từ tháng 4 trở đi, 100% các mẫu giải trình tự gen là chủng Omicron với các biến thể BA.1; BA.2; BA.5; Từ tháng 6-11, biến thể BA5 chiếm ưu thế, bên cạnh đó ghi nhận một số biến thể phụ khác như BA.2.74, BE.1.1; Tháng 12, biến thể phụ BN.1.3 chiếm ưu thế; tiếp đó là các biến thể phụ BA.5.2, BA.2.75.6…
Trong năm 2022 có đến 92% mẫu giải trình tự gen là biến chủng Omicron, trong đó có các biến thể BA.1; BA.2; BA.5; BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()