Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:47 (GMT +7)
Sáng 30/1: Cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng; Giai đoạn khẩn cấp đại dịch vẫn chưa kết thúc
Thứ 2, 30/01/2023 | 09:30:00 [GMT +7] A A
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy cả nước hiện chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở oxy. Đây là lần thứ 2 số bệnh nhân COVID-19 thấp nhất trong 2 năm qua. Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định giai đoạn khẩn cấp đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở oxy
Bộ Y tế cho biết ngày 29/1 tức mùng 9 Tết Quý Mão có 13 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Trong ngày 29/1 có 6 bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.408 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.483 ca mắc).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.612.444 ca. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát hiện cả nước chỉ còn 1 bệnh nhân nặng đang điều trị thở oxy. Đây là thời điểm có số bệnh nhân nặng thấp nhất thứ 2 trong tháng 1/2023 (ngày 20/1, cả nước không còn bệnh nhân nặng nào điều trị, các ngày khác từ vài ca đến 9-10 ca/ ngày).
Đến nay tròn 29 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do mắc COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Lần thứ 2 trong 2 năm qua TP HCM không ghi nhận ca mắc COVID-19
Ngày 29/1, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Y tế và UBND TP HCM về hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xác nhận không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong ngày 28/1. Đây là ngày thứ hai sau hai năm, TP.HCM ghi nhận không có ca COVID-19 nào (trước đó là ngày 26/1/2023). Các ngày khác số ca mắc COVID-19 của TP HCM cũng khá ít, chỉ một vài ca.
Tính hết ngày 28/1, toàn TP HCM tiêm được 23.585.678 mũi vaccine COVID-19. Trong đó gồm 8.700.731 mũi 1, 7.788.260 mũi 2, 683.263 mũi bổ sung, 4.842.787 mũi nhắc lần 1 và 1.570.637 mũi nhắc lần 2.
Đặc biệt, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được 875.949 mũi, bao gồm 535.968 mũi 1 và 339.981 mũi 2, đều thấp hơn so với trung bình cả nước.
Đặc biệt, toàn TP.HCM hiện không có ca nào trong nhóm trẻ dưới 16 tuổi và phụ nữ mang thai, và không có ca nào đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.
Đến hết ngày 28/1, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 266.068.721 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.707.406 liều: Mũi 1 là 71.082.170 liều; Mũi 2 là 68.700.633 liều; Mũi bổ sung là 14.534.328 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.888.204 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.502.071 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.892.893 liều: Mũi 1 là 9.127.824 liều; Mũi 2 là 8.957.064 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.808.005 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.468.422 liều: Mũi 1 là 10.245.232 liều; Mũi 2 là 8.223.190 liều.
Giai đoạn khẩn cấp đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc
Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định giai đoạn khẩn cấp đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tuyên bố được ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO, đưa ra trong cuộc họp thảo luận về chiến lược mới liên quan đến COVID-19 diễn ra ngày 27/1. Ông chỉ ra rằng số người chết vẫn gia tăng, phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng còn nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc WHO: Bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chúng ta ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng Omicron lên đỉnh điểm, hơn 70.000 người tử vong mỗi tuần. Tỷ lệ tử vong hàng tuần đã giảm xuống dưới 10.000, song tăng trở lại vào đầu tháng 12/2022.
Tổng giám đốc WHO cho biết vaccine, phương pháp điều trị vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cứu người, ngăn ngừa bệnh nặng và giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()