Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:23 (GMT +7)
Sáng 27/2: Đã 58 ngày Việt Nam không có ca tử vong do COVID-19; UBND TP HCM chỉ đạo khẩn ngăn nguy cơ lây lan cúm A (H5N1).
Thứ 2, 27/02/2023 | 09:32:26 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay đã 58 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; Hiện có 3 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị; TP HCM chỉ đạo khẩn ngăn nguy cơ lây lan cúm cúm A (H5N1).
58 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 26/2 có 10 ca mắc mới COVID-19, cao gấp 10 lần số bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.901 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.488 ca nhiễm).
Đến nay, hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát, hiện còn 3 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó 2 ca thở oxy qua mặt nạ, 1 ca thở máy xâm lấn.
Đến nay đã tròn 58 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
TP HCM chỉ đạo khẩn ngăn nguy cơ lây lan cúm cúm A (H5N1)
Để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, UBND TP HCM có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống.
Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Đồng thời tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh đi/đến/ở từ vùng có dịch cúm A, cũng như giám sát phát hiện sớm các ca bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Phối hợp Sở NN&PTNT giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm theo quy định.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời.
Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở NN&PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh trên đàn gia cầm, chủ động tham mưu UBND TP các giải pháp cụ thể về phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào TP; thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ.
UBND TP HCM cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trước tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Liên kết website
Ý kiến ()