Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:24 (GMT +7)
Sáng 23/9: Thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer về Việt Nam
Thứ 6, 23/09/2022 | 09:44:20 [GMT +7] A A
Thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer nữa đã về đến Việt Nam, như vậy chỉ trong hơn 10 ngày qua đã có thêm 4,2 triệu liều vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng. Trong một diễn biến liên quan WHO kêu gọi tất cả các nước tiêm phòng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao...
Hơn 10 ngày có 4,2 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam
Thêm 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer nữa tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên đã về đến Việt Nam, bổ sung thêm nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng.
Như vậy từ ngày 12/ 9/2022 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4,2 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer (1,5 triệu liều đã tiếp nhận vào ngày 12/9/2022 và 1,5 triệu liều đã tiếp nhận ngày 14/9/2022 cùng 1,2 triệu liều tiếp nhận ngày 22/9).
Theo cập nhật của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/9, cả nước đã tiêm 259.794.452 mũi vaccine COVID-19 các loại cho người từ 5 tuổi trở lên, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt hơn 78%, mũi 4 tiêm được 15.328.126 mũi (đối với người trên 18 tuổi); còn đối với trẻ từ 12- dưới 18 tuổi mới đạt 57,7%; đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đã hơn 5 tháng triển khai tiêm vaccine COVID-19, cả nước đã tiêm 16.546.186, trong đó mũi 1 là 9.809.220 trẻ (đạt tỷ lệ 88,5%); Mũi 2: 6.736.966 trẻ (đạt tỷ lệ 60,8%).
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 và tiêm vaccine. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị kịp thời bệnh nhân COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 22/9 có 1.928 ca COVID-19 mới, giảm hơn 300 ca so với ngày trước đó; trong ngày có gần 1.300 bệnh nhân khỏi, không có trường hợp nào tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 giảm liên tiếp so với ngày trước đó.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.467.619 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.889 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 10.583.947 ca; trong số hơn 839 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 123 ca, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 113 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca.
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở điều trị tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Cần tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 618,7 triệu ca, trên 6,53 triệu ca tử vong.
Trong báo cáo COVID-19 hàng tuần mới nhất vừa công bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cần duy trì thành quả chống dịch thông qua các biện pháp hữu hiệu. WHO kêu gọi tất cả các nước tiêm phòng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao, gồm người có bệnh lý nền, người cao tuổi và các nhân viên y tế, coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 ở mức 70% dân số.
WHO hối thúc các nước tiếp tục duy trì xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 để giám sát các biến thể, đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác, trong đó có cúm.
WHO cũng khuyến nghị các nước cần bảo đảm có một hệ thống y tế luôn sẵn sàng chăm sóc bệnh nhân, cũng như tích hợp việc điều trị COVID-19 vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch dự phòng các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực y tế phù hợp.
WHO cũng kêu gọi người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ các nhân viên y tế và những bệnh nhân không mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Ngày 22/9: Gần 2.000 ca mắc COVID-19 mới, 123 bệnh nhân nặng đang điều trị
- Sáng 22/9: Khoảng 20% bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa từng tiêm vaccine COVID-19
- Sáng 21/9: Ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 nặng đều tăng, nhiều nơi vẫn tiêm vaccine chậm, thấp
- Ngày 20/9: Ca COVID-19 tăng vọt lên gần 3.200, có 1 F0 tại Cần Thơ tử vong
- Sáng 20/9: Theo dõi chặt các biến thể mới, còn nhiều nơi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp
Liên kết website
Ý kiến ()