Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:18 (GMT +7)
Sáng 22/9: Khoảng 20% bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa từng tiêm vaccine COVID-19
Thứ 5, 22/09/2022 | 10:35:16 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Bộ Y tế hiện có gần 130 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh...
Gần 130 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị
Bộ Y tế cho biết ngày 21/9 có 2.287 ca mắc mới COVID-19, giảm khoảng 900 ca so với ngày trước đó; trong ngày có gần 1.700 bệnh nhân khỏi; 4 trường hợp tử vong tại An Giang, Bình Thuận và Khánh Hoà. Đây cũng là ngày có số lượng ca tử vong do COVID-19 nhiều so với các ngày trước đó chỉ ghi nhận 1-2 trường hợp, hoặc không có trường hợp nào, nâng số trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua lên 2 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.465.691 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.869 ca nhiễm).
Đến nay tổng số ca người mắc COVID-19 đã khỏi là 10.582.688 ca, trong số hơn 839 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, trong đó số bệnh nhân đang thở ô xy là 128 ca, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 113 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2) hiện có hơn 40 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị, trong số này hơn 20 ca nặng, nguy kịch phải thở máy; số còn lại được can thiệp ôxy các mức. Đáng chú ý, có khoảng 20% bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa từng tiêm vaccine COVID-19, chủ yếu rơi vào các ca cao tuổi, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh nền.
Không lơ là trong phòng chống dịch
Tại Chỉ thị về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành, Chính phủ cũng nhận định dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành y tế và cả hệ thống chính trị. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các địa phương sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.
Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch, trước mắt tập trung chỉ đạo việc tiêm vaccine, nhất là các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vaccine trên địa bàn.
Cũng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng COVID-19 diễn ra ngày 21/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 và tiêm vaccine. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Sáng 21/9: Ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 nặng đều tăng, nhiều nơi vẫn tiêm vaccine chậm, thấp
- Ngày 20/9: Ca COVID-19 tăng vọt lên gần 3.200, có 1 F0 tại Cần Thơ tử vong
- Sáng 20/9: Theo dõi chặt các biến thể mới, còn nhiều nơi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp
- Ngày 19/9: Có gần 1.800 ca COVID-19 mới; 2 bệnh nhân tử vong
Liên kết website
Ý kiến ()