Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:51 (GMT +7)
Sản xuất, xuất khẩu đầu năm: Nhiều gam màu tươi sáng
Thứ 2, 19/02/2024 | 17:03:44 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương cho biết, vừa có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong tháng đầu năm 2024 với nhiều dấu hiệu tích cực của cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng mạnh tới 18% so với cùng kỳ năm trước. Có tới 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất tăng. Đặc biệt, tiếp nối đà phục hồi sản xuất của cuối năm qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dần lấy lại vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp với mức tăng 19%. Trong đó nhiều ngành tăng cao ở mức hai chữ số: sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 17%), sản xuất thuốc lá (34%), dệt (46%); sản xuất trang phục (20%); sản xuất thiết bị điện tử (43%), giường tủ bàn ghế (66,7%), sản xuất xe có động cơ (24%).
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Khí hóa lỏng LPG, xăng dầu các loại, thép cán, ô tô, xe máy, vải dệt từ sợi tự nhiên, quần áo mặc thường, giày dép da, phân NPK…
Trong lĩnh vực xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, nhiều tín hiệu tích cực với các ngành hàng đã xuất hiện khi tháng đầu tiên của năm 2024 ước tính xuất siêu 2,9 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng tới 42%. Có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (1,4 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (2,9 tỷ USD); giày dép các loại (1,8 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện (5,8 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (3,8 tỷ USD) và phương tiện vận tải - phụ tùng (1,3 tỷ USD).
“Nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kim ngạch ước đạt 3,3 tỷ USD. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93%, ước đạt 274 triệu USD. Tiếp đến là rau quả tăng 24%, ước đạt 510 triệu USD. Hạt điều, chè, cà phê, gạo, hạt tiêu đều có mức tăng tốt”, Bộ Công Thương cho hay. Bộ này cũng cho rằng, xuất khẩu nông sản đạt thuận lợi trong bối cảnh giá tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.
Xuất khẩu thủy sản tăng 60%
Liên quan đến xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, ước tính tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi tích cực trong năm 2024 với 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi mạnh.
Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 - 15%, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại. Ngành cá tra cũng đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, nhiều tín hiệu tích cực với các ngành hàng đã xuất hiện khi tháng đầu tiên của năm 2024 ước tính xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ mới đây, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, căng thẳng Biển Đỏ đang là vấn đề quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu do chi phí vận chuyển tăng rất mạnh. Trong một tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài tới 14 ngày, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()