Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:55 (GMT +7)
Sản xuất xanh ở Xi măng Vicem Hạ Long
Thứ 6, 22/04/2022 | 13:44:42 [GMT +7] A A
Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, ngành xi măng đang từng bước chuyển dịch mô hình sang "kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh" với mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình này đang được triển khai rất mạnh mẽ ở Công ty CP Xi măng Vicem Hạ Long.
Vicem Hạ Long được trang bị dây chuyền sản xuất xi măng đồng bộ do Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) thiết kế, cung cấp và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2010. Với hệ thống lò quay phương pháp khô tiên tiến nhất thế giới, trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất đạt từ 1,6-1,9 triệu tấn clinker và 1,4-2,2 triệu tấn xi măng.
Nhận thức rõ việc sản xuất clinker, xi măng sẽ tạo ra bụi và các khí thải tác động rất lớn đến môi trường, Vicem Hạ Long đã không ngừng cải tạo cảnh quan, môi trường làm việc và tìm mọi giải pháp để hạn chế tối đa việc phát thải khói, bụi. Theo đó, Công ty đã đẩy mạnh việc nghiên cứu phối liệu để sử dụng tiết kiệm tối đa tài nguyên, đặc biệt tích cực tìm kiếm sử dụng nhiều loại nguyên, nhiên liệu thay thế là các chất thải, rác thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp khác để thực hiện định hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, kể từ năm 2015, Công ty đã nghiên cứu sử dụng tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép làm phụ gia sản xuất xi măng và liên tục tăng tỷ lệ pha trộn. Đến nay, đã đạt tỷ lệ pha trộn trung bình khoảng 15-20% trong sản xuất xi măng, mỗi năm đưa vào sử dụng bình quân gần 200.000 tấn tro xỉ các loại.
Từ năm 2021, nhận thấy các nguồn phụ gia bauxite trở nên khan hiếm, đơn giá tăng rất cao, Vicem Hạ Long đã chủ động nghiên cứu đưa vào sử dụng thành công tro bay nhiệt điện để sản xuất clinker. Bằng việc tận dụng các nguồn tro bay thải của các nhà máy nhiệt điện lân cận, Công ty đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, giảm áp lực xả thải cho các nhà máy nhiệt điện. Hiện tại, công ty đang duy trì tỷ lệ sử dụng tro bay trong phối liệu trung bình 2,5-5,0%, hàng năm đưa vào sử dụng khoảng 30.000-35.000 tấn tro bay cho sản xuất clinker.
Tiếp đó, đầu năm 2021, Công ty đã nghiên cứu thử nghiệm thành công thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên nhập khẩu trong sản xuất xi măng PCB40 và PCB50, đảm bảo duy trì ổn định chất lượng xi măng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, công ty đang sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế 70% thạch cao tự nhiên trong sản xuất xi măng PCB40, thay thế khoảng 30% đối với sản xuất xi măng PCB50. Trên đà kết quả này, Công ty đang nghiên cứu để tăng tỷ lệ tối đa sử dụng thạch cao nhân tạo trong sản xuất các loại xi măng.
Đáng chú ý, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Xây dựng và Tổng công ty VICEM trong việc đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, từ cuối năm 2020, Vicem Hạ Long đã đưa vào sản xuất thử nghiệm các nguồn bùn thải từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cách làm này đã thay thế một phần đất sét, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong hơn 1 năm qua, công ty đã đưa vào xử lý khoảng 15.000 tấn bùn thải công nghiệp để thay thế đất sét. Đồng thời, Công ty cũng đang triển khai chương trình đốt nhiên liệu thay thế một phần than cám trong sản xuất clinker.
Trước những hiệu ứng tích cực, đầu tháng 4 vừa qua, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã tổ chức khởi động dự án Quan hệ đối tác “Xi măng xanh - Greening Cement” và chọn Vicem Hạ Long là đơn vị để triển khai dự án. Dự án “Xi măng Xanh” được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa VICEM, Tập đoàn F.L.Smidth (Đan Mạch) và các đối tác, được tài trợ một phần bởi Tổ chức P4G (đối tác vì sự tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu).
Mục đích của dự án là thiết lập một chuỗi cung cấp chất thải đô thị và công nghiệp đáng tin cậy cho Vicem Hạ Long làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong quá trình sản xuất xi măng để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường; thiết lập mô hình kinh doanh cùng có lợi cho ngành xi măng và ngành quản lý chất thải; thiết kế và vận hành cơ sở xử lý chất thải cũng như chuỗi chất thải đến quá trình sản xuất xi măng; tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư vào việc làm xanh hóa ngành công nghiệp xi măng. Dự án đặt mục tiêu đến hết năm 2023, Vicem Hạ Long có thể sử dụng 100% chất thải thay thế cho nguồn nguyên liệu cũ, góp phần giảm thiểu các bãi chôn lấp rác thải ở TP Hạ Long.
Ông Maxime Ramael, Giám đốc Điều hành FLSmidth Việt Nam cho biết: Tập đoàn sẽ cùng với Vicem Hạ Long hợp tác nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới theo hướng “Tuần hoàn tự nhiên - Phát thải bằng không- Natural Cycle – Zero Emission”. Qua đó, chúng tôi mong muốn dự án sẽ giúp thay đổi nhận thức và cách nhìn của xã hội về ngành sản xuất xi măng, đưa Vicem Hạ Long trở thành một trong những trung tâm xử lý chất thải của TP Hạ Long nói riêng và của Quảng Ninh nói chung.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()