Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:46 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 4, 14/12/2022 | 13:58:46 [GMT +7] A A
Thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách... của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp; đến nay nông nghiệp Quảng Ninh từng bước phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Khoảng 10 năm trở lại đây, quả ổi Đài Loan trở thành nông sản chủ lực của xã Sơn Dương (TP Hạ Long), đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Ân Văn Kim (thôn Đồng Đặng) là một trong những hộ dân đầu tiên trồng ổi Đài Loan ở Sơn Dương; hiện đạt diện tích khoảng 2ha với gần 2.000 gốc ổi, thu hoạch gần 60 tấn quả/năm, lợi nhuận 800 triệu đồng/năm. Từ năm 2012 ông phát triển thêm du lịch, đón du khách tham quan vườn ổi, mang lại giá trị gia tăng cao. Ông Kim cho biết, thực hiện Nghị quyết của xã về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần phát triển sản phẩm OCOP của địa phương và đảm bảo an toàn thực phẩm, từ 2 năm nay gia đình ông đã xây dựng mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ đúng các yêu cầu về liều lượng, chủng loại phân bón, áp dụng nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, chất lượng quả ổi tốt, giá bán cao hơn, khẳng định được thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng.
Xã hiện có 100/130ha ổi Đài Loan được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng các nguồn vật tư đầu vào hợp lý; quản lý sản xuất hiệu quả; hạn chế tiếp xúc với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ được nguồn nước, môi trường sống; chất lượng quả ổi tốt hơn.
Tại phường Phương Nam (TP Uông Bí), từ nhiều năm nay người trồng vải chín sớm chú trọng áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, giúp tăng năng suất, sản lượng, giá bán, lợi nhuận so với phương thức canh tác truyền thống trước đây. Phường hiện có khoảng 400ha vải chín sớm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 320ha đã cho thu hoạch. Năm 2021 sản lượng vải chín sớm của Phương Nam đạt trên 2.500 tấn, doanh thu gần 50 tỷ đồng; năm 2022, sản lượng đạt 2.800 tấn, doanh thu 75,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam, cho biết: Năm 2023 phường tiếp tục hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu sang các nước châu Âu và Trung Quốc; đồng thời thực hiện thí điểm mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn OTAS, diện tích 30ha ở khu Hiệp Thanh. Sau khi mô hình thành công sẽ nhân rộng toàn phường.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động cùng hàng loạt các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, an toàn, bền vững, giá trị cao, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân khu vực nông thôn. Gần đây nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023".
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong nghị quyết này là phấn đấu xây dựng khu vực nông thôn hướng tới tiêu chuẩn đô thị văn minh, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng cường quản lý chất thải rắn ở nông thôn và kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng nước thải chăn nuôi sau xử lý, tạo bước chuyển căn bản chất lượng môi trường nông thôn và tiền đề vững chắc về bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn... Nghị quyết đã tạo động lực để toàn tỉnh tiếp nối kết quả đạt được, có quan điểm tổng thể thực hiện công tác xây dựng và bảo vệ môi trường.
Đi đôi với việc ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vùng trồng cây ăn quả VietGAP trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Điển hình như vùng sản xuất lúa hữu cơ, tổng diện tích 45ha tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên; năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn trồng lúa truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cao hơn từ 10-15%, thu nhập tăng từ 10-30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Vùng trồng quế hữu cơ tại huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại, có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán từ 23.000-25.000 đồng/kg, cao hơn 20% so với quế thông thường.
Với những quyết sách đúng, trúng, hiệu quả, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2020-2022, các chỉ tiêu đề ra của ngành nông nghiệp tỉnh cơ bản vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh ước đạt 4,51%, cao hơn 1,21 điểm % so với năm trước, chiếm tỷ trọng 5,3% trong GRDP của tỉnh; cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, gắn với nhu cầu thị trường, sản phẩm nông, lâm, thủy sản đều có lợi thế và giá trị tăng cao.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tạo động lực mạnh mẽ để ngành nông nghiệp tỉnh tái cơ cấu hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong năm 2023, Chi cục tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn, hiệu quả; hoàn thiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; khuyến khích nhân rộng các cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, hữu cơ..., góp phần đưa Nghị quyết số 10-NQ/TU sớm đi vào cuộc sống.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()