4
531
/
1100178
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh
longform
Sản xuất an toàn trong dịch bệnh

“Bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn trong các hoạt động sản xuất” - Đây là quyết tâm lớn mà Quảng Ninh đã đặt rõ trong chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19. Bởi chỉ có như vậy, tỉnh mới giữ được sức sản xuất liên tục, giữ cho nền kinh tế không bị đứt gãy, thực hiện tốt các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho hàng ngàn công nhân lao động địa phương.



Tháng 6/2021, tại buổi làm việc với Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã yêu cầu 2 đơn vị trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải luôn đề cao mục tiêu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn đối với dịch bệnh”, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, thực hiện nghiêm ngặt phòng chống dịch cả ở nơi ở và nơi làm việc. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, gắn với trách nhiệm người đứng đầu từng công ty thành viên, từng phân xưởng theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động, tích cực từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, Quảng Ninh cương quyết giữ vững trụ cột các ngành sản xuất, kinh doanh, giữ an toàn tuyệt đối ngành công nghiệp, ngành Than và an toàn tuyệt đối cho người lao động công tác tại các cơ quan nhà nước, cơ sở công lập, cơ sở y tế...; không được để bất ngờ, bị động.

Quyết tâm của Quảng Ninh đã lan tỏa đến tất cả các ngành, đơn vị sản xuất trong tỉnh. Ghi nhận tại Tập đoàn CN Than- Khoảng sản Việt Nam - nơi có lực lượng lao động lớn nhất trong các ngành, đơn vị sản xuất tại tỉnh, khoảng 80.000 lao động có thể thấy khí thế thi đua thực hiện “mục tiêu kép” rất mạnh mẽ.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết: Để giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng toàn Tập đoàn, cũng như đóng góp số thu ngân sách cho địa phương, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, TKV đã kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, chủ động ứng phó với những tình huống có thể ảnh hưởng đến sản xuất. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TKV đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại phương án phòng, chống dịch đã xây dựng và cập nhật, bổ sung phương án khi có diễn biến mới; sẵn sàng các kịch bản ứng phó nếu có dịch bùng phát trở lại.

Ứng phó với đại dịch, từ khai trường đến hầm sâu của các đơn vị ngành Than nói chung và của TKV nói riêng đã thực hiện quy trình kiểm soát đồng bộ, khép kín, không để dịch bệnh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Than Mạo Khê, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho 3.700 lao động, cũng như cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TKV, của tỉnh và TX Đông Triều. Theo đó, đơn vị đã kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của 187 thành viên tổ An toàn Covid-19; thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho 41 đồng chí Tổ tiêm Vắc xin Công ty; duy trì rà soát, xét nghiệm sàng lọc hàng tuần đối với 20% số lao động có nguy cơ lây bệnh; 100% công nhân được đo thân nhiệt, thực hiện khai báo y tế trước khi vào phân xưởng, đơn vị làm việc. Công ty cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát 3 ca liên tục tại các phân xưởng, phòng, ban về việc chấp hành quy định phòng chống dịch. Đặc biệt, Công ty lên phương án chuẩn bị bố trí riêng 1 khu tập thể Vĩnh Xuân làm khu cách ly tập trung khi cần thiết.

Không chỉ đối với TKV, tại tất cả các đơn vị sản xuất hoạt động tại Quảng Ninh, nhất là các đơn vị đang tập trung số lượng lớn lao động, thời gian qua đều đã tăng cường kiểm soát hoạt động đi lại của người lao động, đặc biệt là đối tượng lao động trở lại làm việc sau nghỉ lễ; thường xuyên tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân; sẵn sàng về nhân lực, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch tại cơ sở.

Các đơn vị sản xuất trong tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các địa phương nơi có nhà máy, cơ sở hoạt động, để triển khai thực hiện kê khai y tế, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; rà soát danh sách lên kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân. Nhờ sự phối hợp đồng bộ này mà Quảng Ninh đã giữ vững được những “vùng xanh” xanh an toàn cho sản xuất, những nhà máy, xí nghiệp an toàn trước dịch bệnh Covid-19.


Thực tế trong đợt 4 dịch Covid-19 bùng phát, tại một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… dịch đã tấn công vào nhiều nhà máy, xí nghiệp làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gián đoạn việc làm, thu nhập của người lao động. Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lan rộng ra nhiều địa phương, vì vậy, nguy cơ dịch xâm nhập vào cá mỏ, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn là rất lớn. Để giữ vững vùng “xanh” cho các nhà máy đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả giải pháp “5K” đang được nhiều phân xưởng, xí nghiệp, nhà máy thực hiện nghiêm ngặt.

Quảng Ninh hiện có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, trong đó có 5 KCN đã được đầu tư hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư gồm: KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), KCN Hải Yên (TP Móng Cái), KCN Texhong- Hải Hà (thuộc KCN - Cảng biển Hải Hà), KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) với 56 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và gần 28.000 lao động.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban quản lý KKT Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh và các địa phương có KCN rà soát các hoạt động nhập cảnh của các lao động, chuyên gia người nước ngoài trong KCN yêu cầu các trường hợp này tuân thủ quy định về cách ly, theo dõi sức khỏe sau cách ly. Các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, các doanh nghiệp thứ cấp thường xuyên tiến hành phun khử khuẩn tại nơi làm việc. Tất cả các công nhân, chuyên gia và những người ra, vào KCN đều thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế.

Ông Lo Shi-Yi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eson Việt Nam (KCN Đông Mai) cho biết: Doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách của các công nhân, hạn chế nói chuyện và không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Bố trí các tấm chắn ngăn giọt bắn tại khu vực ăn uống tập thể của công nhân; thực hiện biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại khu nhà trọ, xe đưa đón công nhân.

Tương tự, tại các đơn vị sản xuất than thuộc TKV cũng đang kích hoạt các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất. Khai báo y tế đầy đủ, tổ chức truy vết, cách ly tập trung, phun khử khuẩn thường xuyên tại nơi làm việc…

Ghi nhận tại Khu điều hành sản xuất Tân Lập - nơi được mệnh danh là “trái tim” mỏ than Hạ Long. Mọi hoạt động điều hành sản xuất, xe đưa đón công nhân, giao ca, nhà ăn của hơn 10 phân xưởng với hơn 1.000 công nhân diễn ra chủ yếu tại đây. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, 100% công nhân ở đây đều phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi di chuyển vào phân xưởng làm việc. Trước đây, các phân xưởng thường tổ chức giao ca tập trung. Tuy nhiên, giờ để đảm bảo giãn cách, Công ty yêu cầu các phân xưởng bố trí chia đôi nhóm giao ca công việc hằng ngày. Thậm chí bữa ăn ca cũng thay đổi giờ giấc, chia thành nhiều đợt, mỗi đợt 30-50 người để đảm bảo phòng dịch. Thay vì 6 người ngồi ăn chung 1 bàn nay mỗi bàn ăn được sắp xếp giãn cách tối đa 2-3 người/bàn. Trên mỗi bàn có tấm kính chắn giọt bắn. Những thao tác này chưa từng có trong tiền lệ đối với quy trình làm việc của công nhân ở đây, song gần 2 năm qua khi dịch Covid-19 xuất hiện nó lại trở thành thói quen bắt buộc của mọi người. 

Những công nhân lao động xa quê hương, thường sẽ về thăm quê mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày. Thế nhưng, vì đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình, cùng chung tay với công ty trong cuộc chiến với dịch bệnh, họ đã tạm gác việc riêng của mình. Anh Nguyễn Văn Thể (Phân xưởng Cơ Điện khu Tân Lập), chia sẻ: Năm nào vào dịp nghỉ lễ vợ chồng tôi đều về quê Thái Bình thăm gia đình nội, ngoại. Thế nhưng, hơn 1 năm nay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi quyết định ở lại Quảng Ninh để tránh di chuyển qua vùng dịch. Dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới đây, tôi và nhiều công nhân khác trong công ty cũng đều đăng ký ở lại đơn vị vừa tăng gia sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch.

Phân xưởng, nhà máy “5K” đó là những gì Quảng Ninh đã, đang thiết lập nên, nhằm tạo vùng xanh cho các đơn vị sản xuất.

Không chỉ tăng cường phòng chống dịch bảo vệ vững chắc “vùng xanh” tại các nhà máy, phân xưởng, tỉnh Quảng Ninh còn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho các khu nhà trọ, chung cư cho công nhân, lao động…

Các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch ở các khu nhà trọ công nhân. Trong đó, yêu cầu các chủ nhà trọ thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến những người đang lưu trú, tạm trú nâng cao ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm túc khai báo y tế, cài đặt Bluezone, thực hiện “5K” và các quy định phòng, chống dịch tại nơi ở; ký cam kết phòng chống dịch Covid-19 với chủ nhà trọ và chính quyền địa phương.

Riêng địa bàn TP Hạ Long có khoảng hơn 1.800 nhà trọ với gần 12.000 phòng. Tại đây có nhiều lao động tự do, công nhân các đơn vị kinh doanh, sản xuất trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thuê trọ. Hiện nay, một số chủ trọ trên địa bàn thành phố đang phối hợp với chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp xây dựng mô hình nhà trọ an toàn trong mùa dịch Covid-19.

Bà Trần Thị Sử, một chủ nhà trọ tại phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) có 10 phòng trọ với 15 công nhân, lao động làm việc chủ yếu trong KCN Việt Hưng cho biết: Để phòng chống dịch bệnh cho công nhân, gia đình tôi đã tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu nhà trọ; yêu cầu người thuê trọ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh, không cho người lạ đến ở cùng khi chưa khai báo y tế, test nhanh; thường xuyên quét dọn, vệ sinh môi trường và không tụ tập đông người. Đặc biệt công nhân, lao động thuê trọ khi đi làm phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Tại các chung cư, nhà ở tập thể công nhân ngành Than cũng đang tích cực tăng cường các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả. Mô hình khu tập thể an toàn của Công ty CP Than Vàng Danh được Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đánh giá là một trong những mô hình mẫu trong công tác phòng chống dịch của Tập đoàn. Theo đó, cán bộ, công nhân lao động hàng ngày đi làm cũng như tan ca sẽ có xe đưa đón chuyên dụng.

Thợ lò Giáp Văn Dũng, quê ở Bắc Giang, hiện đang ở tại Khu tập thể 314 (Công ty CP Than Vàng Danh) chia sẻ: Tôi thấy các biện pháp phòng dịch thực hiện tại Khu tập thể rất nghiêm. Chúng tôi đã ký cam kết không ra khỏi tỉnh, không đến các địa bàn có dịch và không về quê khi không thực sự cần thiết cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp việc siết chặt phòng dịch tại khu tập thể là rất cần thiết. Mặc dù bị hạn chế trong đi lại, nhưng tất cả công nhân đều nghiêm túc thực hiện theo các chỉ đạo, yêu cầu của Công ty đề ra, nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Được biết, khu tập thể Công ty CP Than Vàng Danh có 163 phòng với khoảng 365 công nhân thợ lò đăng ký ở. Trong đó, 1/2 số công nhân tỉnh ngoài đăng ký ở lại chung cư không di chuyển về vùng dịch. Để đảm bảo cho việc quản lý khu tập thể công nhân được an toàn, Công ty CP Than Vàng Danh đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng dịch. Công ty yêu cầu 100% cán bộ, công nhân trong tập thể thường xuyên thực hiện khai báo y tế. Tại khu tập thể, Công ty còn bố trí riêng biệt phòng theo dõi sức khỏe tạm thời với đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện các biện pháp phòng dịch khi cần. Việc sinh hoạt, đi lại của công nhân tại khu tập thể được thắt chặt để đảm bảo nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Quảng Ninh có lực lượng công nhân lao động đông đảo, không chỉ trong ngành Than, mà còn ở nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác. Đây là một trong số nhóm đối tượng được tỉnh xác định có nguy cơ rất cao bị dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, do điều kiện làm việc trong môi trường khép kín, tập trung đông người.

“Phải sớm trong xây dựng được “hàng rào” ngăn Covid-19 bằng vắc-xin tại các KCN, khu vực sản xuất tập trung có đông công nhân lao động làm việc. Qua đó, không chỉ đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho hàng vạn lao động cũng như gia đình, người thân của họ, mà còn đảm bảo cho chuỗi sản xuất địa phương không bị đứt gãy do dịch bệnh.”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho biết.

Từ quan điểm này, ngay khi Quảng Ninh triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng, lực lượng lao động tại các KCN, nhà máy sản xuất đã được ưu tiên tiếp cận sớm nhất. Ngày 10/7, ngay sau thời điểm Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc diễn ra, hơn 200 công nhân ở KCN Cảng biển Hải Hà đã được triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1.

Những mũi tiêm quý giá đến sớm với công nhân lao động, giúp họ vơi đi nhiều nỗi lo. Anh Trần Đình Quân, Công nhân Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Hà, KCN Cảng biển Hải Hà đã chia sẻ: Trước thông tin lây nhiễm dịch bệnh trong KCN ở một số địa phương trong cả nước, công nhân chúng tôi ai cũng lo lắng cho sức khỏe của mình và người thân, bởi không thể biết dịch bệnh sẽ đến với mình lúc nào. Chính vì vậy, khi được biết mình được tiêm vắc-xin, chúng tôi thật sự rất mừng, nỗi lo về việc bị nhiễm bệnh đã giảm đi rất nhiều, anh em yên tâm lao động, sản xuất. Có vắc-xin và thực hiện nghiêm quy định 5K, chúng tôi tin mình sẽ bảo vệ được phân xưởng, nhà máy khỏi dịch bệnh.

Bí thư Huyện ủy Hải Hà Phạm Xuân Đài cho biết: Đợt tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 hết sức quan trọng đối với huyện Hải Hà nói chung và KCN Cảng biển Hải Hà nói riêng, nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cho cán bộ, công nhân, lao động thuộc KCN và nhân dân khu vực biên giới trên địa bàn. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, thực hiện “mục tiêu kép” của huyện Hải Hà. Huyện Hải Hà đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự tại từng điểm tiêm chủng trên địa bàn huyện, để đảm bảo “3 trước và 4 tại chỗ” được vận hành hiệu quả nhất trong chiến dịch tiêm chủng.

Với chiến lược thần tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, riêng đối với đối tượng người lao động, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả rất khích lệ. Theo thống kê của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, tính đến đầu tháng 8/2021, đã có hơn 7.000 cán bộ, công nhân lao động được tiêm vắc-xin; phấn đấu đến hết tháng 8/2021, có khoảng 30% số lao động trong toàn tập đoàn được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin.


“Cùng với các giải pháp đảm bảo an toàn trong KCN, thì việc công nhân lao động ở đây được tiêm vắc-xin, đã giúp các đơn vị sản xuất đảm bảo được các đơn đặt hàng từ trước và thu hút thêm nhiều đơn hàng mới. Đáng chú ý, dù đang trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tuy nhiên, các KCN của Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư phát triển các dự án sản xuất, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. 7 tháng năm 2021, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào địa bàn KCN, KKT của tỉnh đã đạt trên 282.000 tỷ đồng. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, có vốn đăng ký đầu tư tăng thêm gần 25.000 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 38 dự án, với tổng vốn đăng ký 257.310 tỷ đồng.” Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Hoàng Trung Kiên cho biết.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương đã rà soát số lượng công nhân lao động trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác phân bổ vắc-xin, đảm bảo hiệu quả, an toàn, đúng đối tượng. Đáng chú ý, ngoài số công nhân lao động đang làm việc tại các đơn vị sản xuất, công nhân lao động đã ký hợp đồng dài hạn, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã rà soát cụ thể số lao động tự do, lao động ngoại tỉnh, nội tỉnh không chính thức, không có giao kết hợp đồng đang làm việc tại các công trình, công trường xây dựng của nhà nước, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Như vậy, trong thời gian sớm nhất, hàng ngàn mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục đến với người lao động, đảm bảo vùng xanh cho các đơn vị sản xuất.

Giữ được “mạch” sản xuất không bị gián đoạn bởi dịch bệnh, đã giúp cho nền kinh tế Quảng Ninh thời gian qua vẫn có đà tăng trưởng. Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ và trung bình cả nước; thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 30.800 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 24.200 tỷ đồng, bằng 62% dự toán, tăng 2% cùng kỳ. Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trên 201.000 người lao động và trên 5.400 doanh nghiệp với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng.

Quảng Ninh đặt quyết tâm cao cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2 con số; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 51.000 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19, cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẽ là động lực vững chắc để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra năm 2021.

Chỉ đạo sản xuất: Hà Chi

Thực hiện : Hồng Nhung - Phạm Tăng

Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


   
"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   

.


"3 trước, 4 tại chỗ" - "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"
Tròn 60 ngày, cùng với Cao Bằng, Quảng Ninh là 2/63 tỉnh, thành phố chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19.  
   
Chiến lược "5k + Truyền thông + Công nghệ + Vắc xin"
Quảng Ninh đã chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.   
   
Quyết tâm giữ vững "Địa bàn xanh"
Quảng Ninh đang giữ được địa bàn an toàn nhờ việc chặn đứng đường lây, khoá chặt các ca bệnh, kiểm soát chặt địa bàn.   
   
Nâng cao năng lực cho tuyến đầu
Tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng tuyến đầu, nhất là nguồn lực, cơ sở vật chất y tế, nhân lực tinh nhuệ…    
   
Tạo những "vùng xanh" an toàn
Tiêm vắc xin được xác định là chiến lược quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19, nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.   
   
Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay, tinh thần “Toàn dân chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc” luôn sục sôi trong mỗi người dân đất Mỏ.    

.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu