Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:07 (GMT +7)
Sẵn sàng nuôi tôm vụ thu - đông
Thứ 4, 17/08/2022 | 13:53:52 [GMT +7] A A
Thay vì nghỉ đông, nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phát triển nuôi tôm vụ thu - đông (còn gọi là nuôi tôm trái vụ). Để sẵn sàng cho mùa vụ mới, hạn chế tối đa rủi ro, đạt năng suất tốt nhất, ngành thủy sản đã chủ động phát triển nguồn giống, nâng cao điều kiện, kỹ thuật nuôi trồng...
Việc nuôi tôm vụ thu - đông gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ xuống sâu trong nhiều tháng khiến con tôm hạn chế bơi lội, thời gian sinh trưởng dài hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước... làm con tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại. Chính vậy, nguồn giống được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất.
Những năm gần đây, nhiều đơn vị đã nghiên cứu, phát triển giống tôm khỏe, đơn cử như: Khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao Việt - Úc Quảng Ninh tại xã Tân Lập, huyện Đầm Hà do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, đơn vị đã nghiên cứu thành công giống tôm chịu lạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu miền Bắc và cung cấp ra thị trường trong năm 2022.
Theo đại diện Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh, con tôm giống của công ty được chú trọng về tăng trưởng, tỷ lệ sống, sức đề kháng, khả năng sinh sản... phù hợp với nhu cầu sản xuất và đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Trong đó, khả năng thích nghi tốt với điều kiện nhiệt độ thấp và độ mặn thấp, luôn được quan tâm nghiên cứu để tiếp tục nâng cao hơn nữa. Bằng việc nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc để có những lứa con tôm bố mẹ (tôm giống) giữ được những tính thích nghi tốt với khí hậu lạnh, phù hợp với thời tiết mùa đông của miền Bắc. Theo kế hoạch, năm 2022 Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh phấn đấu sản xuất đạt 1,5 tỷ con giống thủy sản, tăng 50% so với năm 2021. Trong đó, riêng trong tháng 2/2022, Công ty xuất khoảng 50 triệu con giống tôm phục vụ nhu cầu nuôi tôm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ phát triển giống, nhiều trang trại nuôi tôm tăng cường quản lý, kiểm soát việc nuôi tôm vụ thu - đông khá hiệu quả. Một số nơi thực hiện thành công mô hình nuôi tôm trong nhà che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước, giúp chủ động kiểm soát nhiệt độ ổn định, tránh được thời tiết bất lợi tác động đến pH, độ mặn, gây phân tầng nước trong ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh cho con tôm.
Điển hình là mô hình: Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm trong bể nổi tròn; nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, nuôi tôm trong ao đất bền vững; ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương: Quảng Yên, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, cho năng suất trung bình hơn 10 tấn/ha/vụ, thậm chí có những mô hình đạt năng suất nuôi từ 25-30 tấn/ha/vụ.
Đặc biệt, hiện nay, một số cơ sở nuôi tôm tại TP Móng Cái áp dụng mô hình CPF-Combine, quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, chia thành 4 giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải Biogas..., giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas sau khi xử lý có thể được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, 7 tháng năm 2022, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 48.473 tấn, tăng 31,9% so với cùng kỳ 2021, trong đó sản lượng tôm đạt 17.033 tấn, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2021; năng suất trung bình đạt 2,26 tấn/ha. Riêng tôm thẻ chân trắng đạt 3,47 tấn/ha. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092ha, trong đó có 7.500ha nuôi tôm.
Toàn tỉnh thả nuôi hơn 5,1 tỷ con giống thủy sản các loại, trong đó gần 1,8 tỷ tôm giống, tăng 39,8% so với cùng kỳ 2021; có 4 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng công suất sản xuất, ương dưỡng 10 tỷ con/năm. Vụ tôm xuân - hè, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã sản xuất, ương dưỡng và cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tỷ tôm giống.
Mặc dù đem lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên nghề nuôi tôm chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật tại các vùng nuôi tập trung còn thiếu và yếu, công nghệ kỹ thuật sản xuất chưa thực sự ổn định, số cơ sở nuôi tôm áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong sản xuất còn hạn chế; năng suất nuôi tôm trung bình của các cơ sở còn rất thấp, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn thô sơ, dẫn đến giá trị xuất khẩu chưa cao...
Theo ông Đỗ Đình Minh, Giám đốc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), để triển khai thực hiện nuôi tôm vụ thu - đông cho năng suất cao, các công ty, hộ sản xuất cần rà soát lại quy hoạch chi tiết để có giải pháp bố trí lại mặt bằng sản xuất hợp lý, tiết kiệm diện tích nhằm tiết kiệm đầu tư, chi phí để tổ chức sản xuất bền vững cho chính các hộ nuôi. Các địa phương quản lý chặt chẽ các quy hoạch, các hạ tầng vùng sản xuất tập trung đã được phê duyệt đầu tư; thống kê cụ thể số hộ nuôi, thời vụ, xuống giống để phối hợp với các cơ quan làm tốt công tác thống kê số liệu, thực hiện cấp mã số vùng nuôi và triển khai các chính sách hỗ trợ, thông tin các quy hoạch khu vực cho hộ nuôi. Bên cạnh đó, yêu cầu các hộ nuôi cập nhật quy trình nuôi, tiếp cận công nghệ, tận dụng các diện tích đất đai đang có sẵn đạt hiệu quả, chủ động đào tạo nguồn nhân lực.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()