Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:33 (GMT +7)
Sẵn sàng cho vụ đông thắng lợi
Thứ 5, 30/09/2021 | 08:14:02 [GMT +7] A A
Xác định cây vụ đông sẽ từng bước trở thành những vụ chính và có ý nghĩa lớn trong việc mang lại thu nhập cho người dân, năm nay lần đầu tiên Quảng Ninh có kịch bản phát triển chi tiết cho sản xuất vụ đông. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, việc thúc đẩy sản xuất cây vụ đông sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Nhìn lại năm 2020, vụ đông đã giành thắng lợi toàn diện về diện tích, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần cho sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Cụ thể, với diện tích gieo trồng đạt 7.000ha (tăng 76ha so với năm 2019) và năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều đạt cao, giá trị sản xuất vụ đông đã mang lại 800 tỷ đồng. Nhiều gia đình đã có thu nhập rất cao khi tập trung trồng những cây có giá trị kinh tế lớn và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: Khoai tây đạt giá trị 100 triệu/ha; rau cao cấp 100-150 triệu/ha; củ đậu 200 triệu/ha; hoa, cây cảnh từ 100-500 triệu/ha.
Kết quả ở vụ đông 2020 tiếp tục là động lực để người nông dân mở rộng quy mô sản xuất cho vụ đông năm nay. Theo đó, qua rà soát ở các địa phương, vụ đông 2021, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 7.795 ha cây trồng vụ đông các loại (vượt so với năm 2020 là 795ha). Trong đó, cây ngô là 1.063ha; đậu tương là 24,4 ha; cây lạc là 74,8 ha; khoai lang là 1.051 ha; khoai tây là 279 ha; rau các loại là 4.814 ha; cây hoa các loại 342,2 ha; cây khác là 144,8 ha.
Chỉ tiêu này cũng đã được tỉnh giao cụ thể cho từng địa phương, trong đó TX Đông Triều, TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Đầm Hà sẽ giữ vai trò chủ đạo khi có điều kiện thuận lợi để sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn và có sự liên kết trong sản xuất cũng như công tác tiêu thụ. Đối với những địa phương này, tỉnh cũng đã yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất một số đối tượng cây trồng chủ lực, xây dựng 5-6 mô hình quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt và xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh. Đưa diện tích sản xuất trồng trọt liên kết tiêu thụ sản phẩm lên khoảng 1.000ha.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các địa phương đã tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa sớm để có quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Đồng thời, mở rộng diện tích và phát triển một số cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về thị trường để tăng thu nhập cho nông dân; tăng diện tích trồng cây ngô, rau, màu ngắn ngày để nâng cao hệ số sử dụng đất; tăng số lượng và chất lượng các loại cây trồng hàng hóa phục vụ dịp cuối năm như hoa, cây cảnh... Mục tiêu là vụ đông năm nay sẽ mang về khoảng 1.000-1.100 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước).
Đơn cử, như TX Đông Triều, với 1.330ha cho cây trồng vụ đông, địa phương đang đẩy mạnh thu hoạch lúa mùa sớm và tăng diện tích các loại cây trồng ngắn ngày. Cụ thể, ngoài việc tập trung trồng hơn 1.000ha khoai tây, ngô, rau xanh, hoa cây cảnh, TX Đông Triều cũng sẽ dành diện tích còn lại để trồng hành, tỏi, củ đậu và các loại cây ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Đồng thời, nâng cao vai trò của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để những đơn vị này thực sự là cầu nối giữa nông dân, nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức thực hiện những dịch vụ trực tiếp đến người nông dân như: Dịch vụ khâu làm đất, giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm, bảo quản...
Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện Chi cục cũng đã huy động tối đa lực lượng tăng cường xuống các địa phương để tập huấn cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác và công tác bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, một số địa phương ở khu vực miền Đông vẫn chưa tuân thủ lịch thời vụ, không có kế hoạch sản xuất cây vụ đông dẫn đến tình trạng không bố trí diện tích lúa mùa sớm để sản xuất cây vụ đông. Người nông dân sản xuất còn mang tính tự sản tự tiêu, ít có tư tưởng làm hàng hóa và thương mại, xuất hiện nhiều hộ sản xuất với mục đích giữ ruộng. Do đó, các địa phương cần sớm tổ chức duyệt kế hoạch sản xuất của các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền các biện pháp sản xuất vụ đông đến toàn thể nông dân; tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất có sự tham gia của chính quyền cấp xã, HTX dịch vụ nông nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, giám sát việc thực hiện hợp đồng … Đối với các địa phương có diện tích cây vụ đông lớn thì phải tính trước đầu ra cho bà con nông dân, phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc vận chuyển tiêu thụ sản phẩm ra các tỉnh bạn, tránh thụ động trong khâu lưu thông hàng hóa.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()