Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Sẵn sàng cho việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Thứ 3, 12/01/2021 | 08:07:52 [GMT +7] A A
Từ ngày 1/1/2021, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành. Để triển khai luật có hiệu quả, thời gian qua, TAND tỉnh đã chỉ đạo TAND các địa phương tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất, tuyển chọn hòa giải viên đảm bảo đúng quy định.
Một buổi hòa giải về tranh chấp dân sự tại Trung tâm hòa giải, đối thoại (TAND TP Hạ Long) trong thời gian thực hiện thí điểm (tháng 3/2019). |
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được xây dựng đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật và cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đồng thời là giải pháp hữu hiệu, tạo thêm một cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp dân sự, hành chính hiệu quả hơn. Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. Theo đó, Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Theo ông Nguyễn Nhật Duật, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, triển khai thi hành luật, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy bổ sung thêm nhiệm vụ chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật tại địa phương cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. TAND hai cấp tỉnh cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, đăng tải các ấn phẩm về luật; lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm Hòa giải viên theo quy định; sắp xếp, bố trí diện tích phòng làm việc và các điều kiện cơ sở vật chất khác phù hợp...
Đến nay, TAND tỉnh đã thực hiện lựa chọn 59 người để bổ nhiệm hòa giải viên tại tòa án theo đúng quy định; điều kiện cơ sở vật chất cơ bản được đáp ứng tạo điều kiện để các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh thống nhất đi vào hoạt động trong tháng 1/2021.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Cường, Hòa giải viên của TAND TP Hạ Long cho biết: “Vừa qua, TAND tối cao tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại tòa án cho các hòa giải viên. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên khóa tập huấn được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, tuy nhiên các hòa giải viên đều được lĩnh hội, tiếp thu hiệu quả các kiến thức. Các hòa giải viên đã được nghe thẩm phán TAND tối cao, giảng viên học viện Tòa án giới thiệu cụ thể, chi tiết về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các văn bản thi hành; truyền đạt các kỹ năng hòa giải tranh chấp dân sự; kỹ năng đối thoại khiếu kiện hành chính; đồng thời giải đáp các thắc mắc, qua đó hòa giải viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức khi trực tiếp hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Về cơ sở vật chất, các đồng chí lãnh đạo TAND TP Hạ Long đã quan tâm bố trí, trang bị thêm về tư liệu, phòng làm việc, máy tính... đảm bảo cho việc hoạt động của Trung tâm khi tăng thêm 3 hòa giải viên so với thời điểm thực hiện thí điểm".
Trước đó, Quảng Ninh là một trong 16 địa phương được lựa chọn để tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Trong thời gian thực hiện thí điểm (từ 1/11/2018 đến 20/8/2019), các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh đã hòa giải, đối thoại thành 1.511/1.883 vụ việc đã giải quyết (đạt 80%). Với việc không phải trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng khi giải quyết các vụ việc này đã tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký Tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng xét xử giải quyết các loại án trong bối cảnh biên chế thẩm phán, cán bộ Tòa án không được tăng mà còn phải tinh giản hiện nay; tạo thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự khi không phải tổ chức cưỡng chế thi hành án. Việc hòa giải, đối thoại thành dựa trên công tác dân vận cũng góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, triệt tiêu những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và nhân dân.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()