Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:21 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn cho sân khấu Quảng Ninh bằng cách nào?
Thứ 5, 20/01/2022 | 14:10:05 [GMT +7] A A
Sân khấu hiện nay khó mà có thể lấy lại thời hoàng kim như xưa bởi vì có nhiều loại hình giải trí khác nhau. Vậy vấn đề đặt ra là giải pháp nào tháo gỡ khó khăn cho sân khấu lấy lại được khán giả?
Sân khấu Quảng Ninh đã từng có những năm tháng vàng son, vang bóng một thời với nhiều vở diễn còn để lại dấu ấn đậm sâu về giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cao đẹp trong lòng công chúng. Có thể kể tên các vở diễn như: "Nổi gió", "Tiếng sấm Tây Nguyên", "Nhân danh công lý", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tiếng hát người Dao", "Sóng Bạch Đằng", "Nỗi đau tình mẹ", "Dòng suối trắng", "Người con cô đơn", "Hà My của tôi", "Kẻ giấu mặt", "Đứa con tôi", "Người không thể chết", "Bông hoa màu da cam", "Tiếng hát sơn ca"... Những vở diễn nêu trên đã tạo được tiếng vang trong dư luận xã hội, là những sự kiện văn hóa đáng nhớ.
Song thực trạng sân khấu hiện nay vẫn đang loay hoay bế tắc, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong nhiều năm nay, có đến hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm cấp quốc gia, cấp tỉnh song vẫn chưa tìm ra được những giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho sân khấu. Số lượng khán giả ngày càng thưa vắng.
Đạo diễn Lê Chính, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, nêu quan điểm: Nhiều đơn vị nghệ thuật dường như bị tê liệt. Các rạp hát dừng chân tại chỗ, thậm chí tụt hậu, khủng hoảng trầm trọng. Ngay cả những vở diễn đoạt huy chương ở các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc thì về cũng bán vé không được. Các nghệ sĩ, diễn viên có tuổi đời ngày càng cao. Lớp trẻ kế cận thì thiếu vắng, những ngôi sao trẻ dường như chưa xuất hiện.
Chúng ta đều biết, khi nói đến văn hóa là nói đến con người. Đồng thời, con người là trung tâm, là cốt lõi của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sân khấu cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì thế, mỗi một tác phẩm nghệ thuật đích thực là tinh hoa của văn hóa mà người nghệ sĩ là nguồn lực trung tâm, quyết định cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Chắc, nguyên Phó Trưởng Đoàn Chèo Quảng Ninh, phân tích nguyên nhân: Nghệ sĩ sân khấu bây giờ người lớn tuổi thì tìm cách nghỉ hưu sớm, người trẻ thì "chân ngoài dài hơn chân trong" để mưu sinh, cho nên chất lượng nghệ thuật không còn được đảm bảo nữa, cái tâm làm nghề của nghệ sĩ cũng không còn. Các đoàn nghệ thuật bây giờ hợp nhất làm một, khi phải tham gia hội diễn thì phải tập trung toàn bộ lực lượng, trong khi mỗi bộ môn sân khấu lại có những đặc thù riêng. Cho nên vở diễn mất đi bản sắc thương hiệu vốn có, không thỏa mãn được nhu cầu của người xem.
Nguyên nhân thứ hai còn nằm ở vấn đề cơ chế. Sân khấu ngày càng vắng khách, cơ chế quản lý cũng thay đổi, sân khấu chưa bắt nhịp được với cơ chế thị trường. Đời sống nghệ sĩ diễn viên gặp nhiều khó khăn cho nên không tuyển dụng được lực lượng kế cận. Ông Lê Chính cho rằng, nhiều nhà quản lý còn thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển nghệ thuật trong thời kỳ kinh tế thị trường, thiếu tư duy kinh tế, chưa hội đủ sự hiểu biết sâu sắc về khoa học xã hội, chưa chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Sân khấu Quảng Ninh hiện nay thiếu vắng các tác phẩm sáng tạo, đổi mới mang tính cách mạng về cấu trúc, hình thức không gian sân khấu, đến phong cách sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật có giá trị tư tưởng thẩm mỹ, ý nghĩa triết học xứng tầm với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và thời đại. Một số tác phẩm vẫn còn thể hiện theo phong cách cổ điển ở thế kỷ 16 và phương thức hoạt động lưu diễn vẫn như thời bao cấp.
Nhận thức của một số cán bộ có lúc, có nơi còn xem hoạt động VHNT nói chung và sân khấu nói riêng chỉ là để vui chơi, giải trí thuần túy, chưa thấy vai trò quan trọng là đội quân xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng. Nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trước đây giàu tâm huyết thì nay đã không giữ được lửa nghề. Một số người vẫn làm việc qua loa, đại khái phần nào làm cho sân khấu đến chỗ khủng hoảng như hiện nay. Trong khi đó, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng cao, nhu cầu thụ hưởng sản phẩm văn hóa, văn nghệ của khán giả ngày một nâng lên thì đòi hỏi tác phẩm phải có hàm lượng trí tuệ và chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa.
Sân khấu không chuyên một thời cung cấp diễn viên cho sân khấu Quảng Ninh nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Giải Văn nghệ Hạ Long thiếu vắng kịch bản hay để xét. Gần như không có cuộc thi nào cho sân khấu không chuyên. Quảng Ninh cũng cần xây dựng và đào tạo khán giả cho sân khấu vì họ là động lực, là yếu tố quyết định cho sự phát triển của sân khấu. Việc này cần huy động tổng hợp nhiều nguồn lực, tập trung tiếp cận đối tượng là học sinh, đưa sân khấu đến với số đông các em nhỏ, để các em hiểu được cái hay, cái đẹp của từng loại hình nghệ thuật. Đây là vấn đề cấp thiết nhằm bảo tồn nghệ thuật sân khấu, phát huy bản sắc văn hóa quý báu của cha ông để lại.
Đạo diễn Lê Chính đề xuất: Cần tiếp tục cơ cấu lại bộ máy, giao quyền chủ động về kinh phí và tự chủ kinh phí đối với đơn vị công lập. Cần tháo gỡ, khắc phục tình trạng khó khăn của sân khấu, điều này đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chủ quản, các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật phải có tâm, có tầm và có tài, cùng với nghệ sĩ có trí tuệ, tâm huyết và tài năng chung tay góp sức hoạch định tổng thể, toàn diện với những bước đi cụ thể.
Trước mắt, cần khuyến khích cổ phần hóa, hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị thành lập nhà hát, đoàn nghệ thuật; có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng nghệ sĩ, diễn viên; bồi dưỡng lực lượng sáng tác và biểu diễn, quảng bá tác phẩm sân khấu, phát hiện, nâng đỡ tài năng trẻ. Ngành văn hóa cần có kế hoạch cho việc tuyển dụng, thi tuyển, đào tạo lực lượng tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp bằng việc mở trở lại Khoa Sân khấu ở Trường Đại học Hạ Long hiện nay hoặc liên kết đào tạo với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Cũng theo ông Lê Chính, Hội VHNT tỉnh cần tổ chức nhiều hơn các lớp bồi dưỡng sáng tác, biểu diễn sân khấu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; phối hợp để tổ chức công bố, quảng bá các tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao trên sóng phát thanh, truyền hình. Đồng thời, thành lập nhiều câu lạc bộ sân khấu ở các trường học, Cung Văn hóa thiếu nhi và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến nghệ thuật sân khấu biểu diễn. Hội chủ động phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, Liên đoàn Lao động tỉnh và ngành Than để tổ chức các hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng theo định kỳ.
Về lâu dài cần có chiến lược đổi mới toàn diện nghệ thuật sân khấu, trong đó có đổi mới về hình thức thể hiện không gian sân khấu, cấu trúc sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và tiếp cận khán giả. Tỉnh nên miễn thuế đất, miễn thuế thu nhập cá nhân cho nghệ sĩ, đặt hàng sáng tác các tác phẩm sân khấu của những nghệ sĩ tài năng, thí điểm tác phẩm sân khấu chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Đồng thời để cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nghệ sĩ tâm huyết bỏ kinh phí dàn dựng, biểu diễn thực nghiệm, thí điểm một vài tác phẩm có chất lượng cao.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Chắc nêu quan điểm: Đầu tiên, tôi nghĩ phải có kịch bản hay. Tôi thấy nhiều năm qua, Hội VHNT Quảng Ninh thường xuyên có những trại sáng tác kịch bản sân khấu cho các đơn vị dàn dựng tham gia hội diễn. Nhiều vở diễn đã được trao giải thưởng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của khán giả...
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()