Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
Sân khấu cần đổi mới đột phá
Chủ nhật, 24/10/2021 | 08:00:18 [GMT +7] A A
Sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam vừa qua được các nghệ sĩ trong cả nước hân hoan chào đón, ghi dấu một thế kỷ hình thành và phát triển của một loại hình nghệ thuật có nhiều đóng góp vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Thời gian chưa phải là nhiều nếu so với sân khấu dân tộc đã có hàng trăm năm và kịch nói thế giới có từ hàng nghìn năm, nhưng chúng ta có thể tự hào về sự trưởng thành của kịch nói Việt Nam.
Tuy ra đời muộn, song kịch nói nước ta đã nhanh chóng tiếp thu các phương pháp kịch nghệ hiện đại và tinh hoa sân khấu thế giới mà vẫn mang bản sắc riêng, tạo dựng được kho tàng kịch mục với hàng nghìn tác phẩm kịch bản, vở diễn phong phú về nội dung, đề tài cùng đội ngũ đông đảo các thế hệ tác giả, đạo diễn, diễn viên tâm huyết và tài năng. Các nghệ sĩ và những tác phẩm, vở diễn của họ đã đồng hành, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phục vụ và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Không những vậy, sự phát triển của kịch nói còn góp phần quan trọng bổ sung, hoàn thiện và phát huy các loại hình sân khấu dân tộc lên một tầm cao mới.
Cùng với thời gian, kịch nói và sân khấu Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, chuyên nghiệp hóa, hiện đại hơn và từng có một thời hoàng kim khi công chúng nô nức đến rạp diễn thưởng thức các vở mới, háo hức chào đón các tác giả, đạo diễn và nghệ sĩ tên tuổi. Tuy nhiên, bước vào những năm đầu thế kỷ 21 và ở thời điểm hiện tại, kịch nói và sân khấu nước ta đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, thậm chí đã có những câu hỏi của người trong nghề đặt ra đầy bi quan “tồn tại hay không tồn tại” với nhiều đơn vị, nhà hát.
Nguyên nhân ở đây không chỉ là yếu tố khách quan, từ sự phát triển của khoa học - công nghệ “thời 4.0” mang lại nhiều thay đổi, mở ra những phương thức giải trí có thể chọn lựa hay sự cạnh tranh khắc nghiệt đến từ các loại hình nghệ thuật khác mà còn từ yếu tố chủ quan khi bản thân sân khấu còn chậm đổi mới về chuyên môn cũng như hoạt động, phần nào chưa đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi của đời sống nghệ thuật và nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của công chúng.
Cần phải thừa nhận sân khấu kịch nói Việt Nam đang trong khủng hoảng, thiếu vắng khán giả và quan trọng hơn là thiếu vắng những tác phẩm kịch bản, vở diễn hay có ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật, vừa mang tầm vóc tư tưởng, phản ánh được thời đại và hiện thực cuộc sống, có tính định hướng, dự báo xã hội như đã từng có trước đây. “Cái khó bó cái khôn”, đời sống sân khấu kịch không còn sôi động, trong khi chúng ta vẫn loay hoay trong cơ chế, trông chờ vào sự quan tâm bao cấp.
Cũng vì vậy, sân khấu kịch đang dần phân hóa với hệ thống các nhà hát công lập trì trệ, hoạt động theo chỉ tiêu kế hoạch dựng vở “trên rót xuống” hằng năm và những đơn vị sân khấu xã hội hóa hoạt động bằng kinh phí tự thân năng động, linh hoạt trong phục vụ khán giả, song rất khó có được những vở “ra tấm, ra miếng” về nội dung, tư tưởng như mong muốn.
Bên cạnh đó, sân khấu kịch nói vẫn theo một lối mòn của các quan niệm cũ trong phương thức dựng vở và hoạt động tổ chức biểu diễn, không tạo nên được những đột phá cần thiết, bước qua các rào cản bảo thủ, lạc hậu. “Thầy già vẫn sợ con hát trẻ”, mang tâm lý an toàn còn hơn, không tin tưởng, mạnh dạn giao việc, giao vở, giao vai diễn cho lớp trẻ và các nhân tố mới để khơi dậy, thúc đẩy những tìm tòi, sáng tạo mà một phần lý do xuất phát từ những đặc quyền, lợi ích liên kết cá nhân.
Để kịch nói và sân khấu Việt Nam phát triển, đã và đang cần có những đơn vị và những người làm nghề nhiệt huyết và khao khát thay đổi, dám đi trên con đường chưa có ai đi, đồng hành, sẻ chia với cuộc sống của nhân dân, là tiếng nói phản ánh của họ trong nghệ thuật và là “ăng-ten” dự báo cho tương lai. Trong xu thế hiện tại, sân khấu kịch thế giới đang phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều chân trời sáng tạo với nhiều phương pháp dàn dựng và hình thức sân khấu mới cùng cách thức hoạt động, tổ chức biểu diễn hiệu quả, chứ không chỉ tiếp thu và áp dụng những gì đã có.
Sân khấu tối giản, ước lệ, sân khấu phá bỏ cái khung hộp ba mặt và linh hoạt hơn, nơi đâu cũng có thể là sân khấu để người nghệ sĩ biểu diễn dưới bất kỳ hình thức và phương pháp nào, miễn là có khả năng truyền đạt được nội dung, ý tưởng, tư tưởng vở diễn và lôi cuốn được khán giả. Ngay cả lĩnh vực lý luận, phê bình sân khấu cũng không quá câu nệ, mang tính áp đặt khi đánh giá các vở diễn sân khấu, thậm chí, còn khuyến khích những tìm tòi, thay đổi mới trong dàn dựng cũng như diễn xuất.
Sân khấu kịch Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế nêu trên và cần có những chuyển đổi mạnh mẽ mang tính đột phá nhằm mục tiêu có được những vở diễn hay vì khán giả, thu hút họ đến với sân khấu. Con đường thử nghiệm và cách tân sân khấu không chỉ là tạo ra cái mới, đó còn là sự kế thừa và phát triển dựa trên sân khấu truyền thống, kết hợp các nguyên lý và cả kỹ thuật đặc trưng của sân khấu dân tộc. Thời gian qua chúng ta đã có những vở diễn thử nghiệm và bước đầu hình thành được các liên hoan, hội thi sân khấu thử nghiệm, thậm chí đã có cả các đoàn và nhà hát sân khấu thử nghiệm.
Đó là hướng đi đúng cần phát huy để tạo nên diện mạo và đời sống hoàn toàn mới cho sân khấu kịch, giúp những người làm nghề năng động sáng tạo, từng bước tạo dựng những quan niệm mới trong dàn dựng và cả thưởng thức của công chúng. Đồng thời, cần quan tâm và tạo liên kết chặt chẽ với khán giả bởi sự đánh giá của chính họ là động lực cho các sáng tạo bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và công tác lý luận, phê bình để tạo nên một đời sống sân khấu thật sự sôi động.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()