Gần đây, số ca mắc cúm tăng bất thường, đặc biệt là cúm A - bệnh thường gặp vào mùa đông. Ghi nhận của VnExpress từ đầu tháng 7, nhiều bệnh viện phía Bắc có lượng người đến khám cúm A tăng mạnh, trong đó có tình trạng nặng, tổn thương phổi phải nhập viện. Nhiều người tự điều trị bằng các phương pháp không đúng khoa học, hoặc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus phổ biến nhất. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Biểu hiện ban đầu là sốt, cảm giác ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt, ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. Bệnh cúm tự khỏi trong vài ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.
"Lạm dụng kháng sinh trị cúm vừa tốn kém, vừa có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh", bác sĩ nói.
Ngoài ra, người bệnh cúm B thường diễn biến nhẹ, còn cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm đặc biệt như trẻ dưới hai tuổi, người trên 65 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận... Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ. Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, bác sĩ có chỉ định riêng.
Gia đình không nên tự ý tích trữ thuốc, đặc biệt là Tamiflu. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Theo bác sĩ Dũng, nếu mắc cúm thông thường thì không cần dùng đến Tamiflu, gây lãng phí. Đặc biệt, lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này.
Tuyệt đối không dùng bài thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm, dẫn đến biến chứng. Lương Y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, khuyên có thể sử dụng lá chanh, kinh giới, lá mít, lá nhãn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu... để xông hơi giải cảm. Lá tía tô, sả, gừng, bạc hà... có thể chế biến thành món ăn giải cảm. Nấu cháo cùng tía tô, hành, bí đỏ, đậu xanh... vừa dễ ăn, thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng vừa có tác dụng giải cảm, phù hợp người ho, sốt, mệt mỏi.
Ý kiến ()