Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:36 (GMT +7)
Sai lầm cha mẹ thường mắc khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh
Thứ 4, 15/01/2025 | 11:25:29 [GMT +7] A A
Cảm lạnh là một bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong mùa đông. Tuy là căn bệnh thông thường nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn mắc phải những sai lầm trong quá trình chăm sóc trẻ.
Vì sao trẻ bị cảm lạnh?
Trẻ em dễ bị cảm lạnh hơn và thường kéo dài hơn người lớn, với những triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Có nhiều nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ, trong đó thường gặp là virus.
Cảm lạnh thông thường có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm và được truyền từ người này sang người khác, bằng tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với virus trong môi trường, dễ lây nhất trong 2 - 4 ngày đầu.
Thông thường, trẻ em dưới 6 tuổi dễ mắc cảm lạnh. Khi đi học tiểu học thì tỉ lệ này giảm dần, do hệ miễn dịch đã tốt hơn.
Trẻ bị cảm lạnh thì triệu chứng rõ nhất là ngạt mũi, sổ mũi. Đồng thời, trẻ cũng có những biểu hiện khác như đau họng, ho, khó ngủ, quấy khóc, biếng ăn. Một số trẻ sẽ bị sốt, thậm chí sốt trên 38 độ C.
Những sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh
Khi con bị cảm lạnh với những biểu hiện ho, sốt, ngạt mũi.. tâm lý của cha mẹ thường là lo lắng và sốt ruột. Một trong những sai lầm thường gặp nhất là sự lạm dụng thuốc. Tâm lý dùng kháng sinh chữa ‘bách bệnh’ vẫn còn tồn tại ở nhiều cha mẹ, đặc biệt khi trẻ bị sốt. Trong trường hợp trẻ bị cảm lạnh thì kháng sinh là vô ích, bởi vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn. Thậm chí, kháng sinh còn có thể gây hại cho cơ thể đang yếu ớt của trẻ, bởi chúng có thể gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng thuốc… Một số cha mẹ còn không tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc hạ sốt, trẻ sốt dưới 38,5 độ C đã vội cho uống thuốc hạ sốt, khiến trẻ dễ toát mồ hôi và cảm lạnh hơn. Tương tự như vậy, các loại thuốc ho cũng không thể được dùng tùy tiện mà cần có sự chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần nhớ, ho là một phản xạ bảo vệ có lợi cho cơ thể trẻ. Nhờ có phản xạ ho mà cơ thể có thể tống xuất đờm ra ngoài, làm đường thở thông thoáng, dễ thở hơn. Ngoài ra, việc ho còn giúp tống xuất mầm bệnh ra ngoài.
Một số cha mẹ lại mắc phải sai lầm là bắt con kiêng khem quá mức. Bởi vì cảm lạnh luôn gắn liền với hiện tượng trẻ bị ho nên cha mẹ có xu hướng không cho trẻ ăn tôm, cua, thịt bò, thịt gà… vì nghĩ rằng trẻ sẽ bị kích ứng và ho nhiều hơn. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Ngược lại, cha mẹ cần cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có thêm năng lượng chống lại bệnh tật. Đặc biệt, cần cho trẻ uống đủ nước và là nước ấm, uống đều đặn trong cả ngày.
Không ít cha mẹ cũng ngần ngại trong việc cho con uống sữa khi trẻ bị ho, sốt với tâm lý sợ trẻ bị kích ứng và nôn. Tuy nhiên, sữa không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây nôn mửa. Cách tốt nhất để tránh cho trẻ không bị nôn mửa khi ‘hệ tai mũi họng’ đang có vấn đề chính là chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn, tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.
Cha mẹ cần đề phòng những biến chứng khi trẻ bị cảm lạnh
Cảm lạnh là một căn bệnh hô hấp thông thường nhưng cần đề phòng những biến chứng nguy hiểm.
Cảm lạnh biến chứng dễ dẫn đến viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm mũi xoang... nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rắc rối hơn ở nội sọ.
Từ cảm lạnh có thể biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi. Khoảng 20 - 25% trẻ bị cảm lạnh thông thường có khả năng diễn tiến thành viêm phổi.
Với trẻ bị hen suyễn khi nhiễm virus cảm lạnh thì khoảng 80% trường hợp trẻ em sẽ bị lên cơn hen.
Đề phòng cảm lạnh cho trẻ, những điều cha mẹ cần ghi nhớ
Để phòng ngừa cảm lạnh, cần áp dụng đúng quy tắc 5K, đeo khẩu trang và rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh. Tránh tiếp xúc gần gũi, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là người có các triệu chứng về hô hấp. Cần giữ ấm cho trẻ một cách linh hoạt và khoa học.
Trẻ dễ mắc bệnh khi sức đề kháng kém, tác động xấu đến sức khoẻ, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Cụ thể, khi bệnh trẻ biếng ăn, kém hấp thu, khiến trẻ chậm tăng cân, chiều cao, dẫn đến tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng. Từ đây, một vòng xoắn bệnh lý bắt đầu hình thành: thiếu hụt dinh dưỡng khi bệnh - sức đề kháng càng giảm - bệnh tái đi tái lại khiến trẻ tăng trưởng kém.
Để cải thiện tình trạng này và giúp bé bắt kịp đà tăng trưởng tối ưu, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, đặc biệt là các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, sức khỏe và sức đề kháng như canxi, sắt, kẽm, vitamin D, vitamin K2 tự nhiên… Nếu trẻ bị rối loạn tiêu hoá, biếng ăn, kém hấp thu thì nên bổ sung thêm Probiotics (lợi khuẩn) và Prebiotics (chất xơ hoà tan) để cải thiện.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()