Ngày 27/4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 3, 7, 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo", áp dụng từ năm học 2022-2023. Giá các bộ sách này cao hơn hẳn so với sách giáo khoa hiện hành.
Một bộ sách lớp 3 hiện tại giá 58.000 đồng, trong khi bộ mới có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng, cao hơn ba lần. Mức này của bộ mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh - cuốn thường đắt nhất. Do Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với lớp 3 từ năm học tới, phụ huynh sẽ phải chi thêm ít nhất vài chục nghìn nữa.
Bộ sách lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với hiện hành (134.000 đồng một bộ).
Với lớp 10, giá một bộ từ 246.000 đến 301.000 đồng, tuỳ thuộc tổ hợp môn học. Mức này bao gồm tổng giá bìa của 5 trong số 7 môn học bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập. Trong khi đó, giá bộ cũ là 164.000 đồng.
Giá sách tăng cao một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn. Ví dụ với lớp 3, bộ cũ chỉ gồm 6 cuốn thì bộ mới có tới 12 cuốn, chưa kể sách Tiếng Anh. Lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn. Số cuốn tăng thêm trong các bộ mới chủ yếu phục vụ các môn như Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Ngoài ra, theo lý giải của nhà xuất bản, sách tăng giá vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường hình ảnh với cách trình bày, minh họa sinh động, hấp dẫn; khổ sách lớn hơn.
Nhà xuất bản cho biết, mức giá sách giáo khoa mới kể trên đã được kê khai với Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. "Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, nhà xuất bản đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào để có giá bán sách phù hợp với mức chi phí của đại đa số gia đình có con em đi học", đơn vị này cho hay.
Với các gia đình chính sách, nơi có hoàn cảnh khó khăn, Nhà xuất bản sẽ tiếp tục thực hiện các công tác xã hội như tặng sách, xây dựng tủ sách dùng chung, phát động phong trào quyên góp, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại sách giáo khoa.
Từ năm 2020, khi sách giáo khoa mới lần đầu được đưa vào sử dụng (đối với lớp 1), việc giá sách tăng cao gần gấp hai lần so với bộ cũ cũng gây ra nhiều tranh luận. Khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Quốc hội, nêu ra các nguyên nhân như sách nhiều trang hơn, khổ rộng hơn cũ; nhiều hình ảnh minh hoạ đòi hỏi giấy in, mực in phải tốt hơn. Ngoài ra, sách được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần như với sách cũ, nên chi phí được tính thêm vào giá.
Theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp; chịu trách nhiệm toàn diện theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ý kiến ()