Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Sắc xuân biên cương Bình Liêu
Thứ 7, 21/01/2023 | 09:16:12 [GMT +7] A A
Ở mảnh đất biên giới Bình Liêu, mỗi sắc hoa tượng trưng cho một mùa trong năm. Và khi chạm vào tháng Chạp trong cái lạnh se sắt, những nụ đào phớt hồng, mận trắng mong manh đã bắt đầu e ấp chờ bung nở khắp triền non đón xuân về. Màu tươi xanh của cây lá, sắc đào, mận dịu dàng, tinh khôi như khoác tấm áo mới mùa xuân cho đất trời biên cương thêm tươi tắn, khoáng đạt, đầy sức sống, khiến lòng người cũng thêm náo nức, hân hoan, chờ đón những niềm vui hạnh phúc, an lành trước thềm năm mới.
Không chỉ chờ đến những ngày giáp Tết, không khí đón Tết cổ truyền của bà con Bình Liêu mới trở nên rộn ràng mà ngay từ giữa tháng Chạp, đồng bào người Dao nơi đây đã bắt đầu làm các nghi lễ đón Tết sớm theo phong tục truyền thống. Bà con người Dao đã tất bật từ sớm với các công việc dọn dẹp nhà cửa, mời anh em, bạn bè đến giúp nhà trưởng họ (nhà tổ) - nơi thờ cúng tổ tiên của mỗi dòng họ người Dao để thịt lợn, thịt gà, gói bánh,… cùng nhau sum vầy đón Tết. Sau đó, các gia đình trong dòng họ mới được về chuẩn bị đón Tết ở nhà riêng của mình.
Bà Lý Thị Hoa, thôn Ngàn Phe (xã Đồng Tâm) chia sẻ: Người Dao chúng tôi cũng tổ chức đón Tết cổ truyền như các dân tộc khác song không đợi đến 30 Tết Nguyên đán mới tổ chức, mà từ những ngày cuối tháng Chạp, các gia đình, dòng họ trong thôn bắt đầu tổ chức ăn Tết. Nhà nào có gì làm nấy, mâm cơm sum họp cũng là những món ăn truyền thống như thịt gà, thịt ngan, bánh dày, bánh chưng…, vừa là tạ ơn tổ tiên vừa là dịp anh em, bạn bè được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ niềm vui, thành quả sau một năm lao động vất vả.
Không khí đầm ấm, tươi vui đón Tết đến, xuân về vì thế lan tỏa từ mỗi mái nhà đến từng thôn, bản hòa vào sự nhộn nhịp, tấp nập rực rỡ sắc màu của chợ phiên cuối năm. Ở chợ phiên thị trấn hay tận Đồng Văn, người người, nhà nhà tấp nập mua sắm và cũng coi đây là dịp vui chơi những ngày giáp Tết. Các bà, các chị, các mẹ ngoài mua thực phẩm, sắm sửa đồ Tết cũng tranh thủ chọn thêm những bộ trang phục truyền thống mới cho cả gia đình, các anh thì chọn những dụng cụ lao động, cày cuốc mới với hy vọng một năm mới làm ăn thuận lợi. Và chắc chắn, chẳng thể thiếu được niềm vui rộn ràng, háo hức của con trẻ với những túi bánh kẹo đủ màu sắc trên tay… Khung cảnh đông vui, nhộn nhịp nhưng không xô bồ mà lắng đọng bình yên, bình dị như chính nếp sống của con người nơi đây.
Những ngày này, gia đình ông Chìu Tắc Dẩu, khu dân cư Trình Tường, thôn Pắc Cương (xã Hoành Mô) luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười khi cả gia đình cùng sum vầy trong ngôi nhà mới xây. Không giấu được niềm vui nhìn căn nhà khang trang hoàn thành kịp trước Tết Nguyên đán, ông Dẩu phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi thuộc gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Bao năm lao động tích cóp nay được nhận thêm sự hỗ trợ rất lớn của cán bộ, nhân viên Lâm trường 156 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327) cùng cấp ủy, chính quyền, bà con nhân dân xã Hoành Mô, gia đình đã quyết tâm xây dựng căn nhà mới vững chắc, rộng rãi. Được đón năm mới trong ngôi nhà mới đối với chúng tôi chẳng còn gì hạnh phúc hơn.
Niềm vui xuân mới không chỉ trọn vẹn với riêng gia đình ông Chìu Tắc Dẩu, mà còn đến với nhiều hộ dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là gần 1.500 hộ thoát nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong đó có 162/171 hộ nghèo được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây nhà ở kiên cố đã khởi công và nhiều hộ đã hoàn thành nhà mới kịp đón Tết Quý Mão.
Khí thế vui tươi, hân hoan bước sang năm 2023 của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu càng được nhân lên khi huyện đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành mục tiêu đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022. Mỗi năm qua đi, người dân lại đón một cái Tết thêm đầm ấm, đủ đầy bởi bà con đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Bà con các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu đã ngày càng chủ động phát huy những lợi thế, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình để phát triển du lịch, thu hút du khách bốn phương. Nhờ đó, năm 2022 đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng của ngành du lịch Bình Liêu sau hai năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Huyện đã đón trên 100.000 lượt khách, tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt gần 53 tỷ đồng, bằng 146% kế hoạch năm và đạt 336% so với năm 2021. Từ đây, tiếp tục tạo tiền đề vững chắc trong phát triển kinh tế, xây dựng một miền quê trù phú, đáng sống góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Và ở nơi mảnh đất biên giới ấy, để góp vào mùa xuân yên bình cho nhân dân, cho đất nước là bước chân thầm lặng của những chiến sĩ biên phòng trong những ngày Tết. Họ vẫn lặng lẽ, âm thầm thực hiện nhiệm vụ giữa mây ngàn, gió núi trên những cung đường tuần tra, cột mốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Trung tá Tẩy Văn Thái, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, cho biết: Tết là dịp đồng bào vui xuân, song đơn vị luôn đảm bảo duy trì nghiêm túc quân số trực Tết. Anh em cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần, sẵn sàng trong tư thế chắc tay súng thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện chỉnh trang, tranh trí doanh trại, cùng bà con gói bánh chưng, giao lưu văn nghệ vui xuân gắn kết tình đoàn kết. Với những người lính biên phòng thì “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” vì vậy nhiệm vụ trực và đón Tết tại đơn vị là niềm vinh dự, tự hào bởi được góp một phần công sức nhỏ của mình vào mùa Xuân chung của đất nước.
Tết ở Bình Liêu đầm ấm, yên vui mà bình dị, chân tình như thế. Đâu chỉ là hơi ấm của những nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng, đượm mùi nếp thơm nồng mang hương xuân về với mọi nhà, mà còn gửi gắm biết bao ước vọng đầu xuân về cuộc sống thêm no ấm, đủ đầy, là thắt chặt thêm tình cảm gắn bó, đoàn kết, yêu thương của quân dân, cộng đồng, là những nét phong tục truyền thống đẹp đẽ tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền qua ngàn đời và hơn hết là trách nhiệm, niềm tin nhân lên từ mỗi mái nhà, góp sức làm nên những đổi thay tươi đẹp hơn, phát triển hơn trên dải đất biên cương Bình Liêu.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()