Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:37 (GMT +7)
Sắc màu chợ phiên vùng cao
Chủ nhật, 10/11/2024 | 15:15:21 [GMT +7] A A
Ở khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, những phiên chợ vùng cao luôn có sức cuốn hút riêng. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là không gian văn hóa sống động, phản ánh đời sống tinh thần và tập tục sinh hoạt đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hòa mình vào những phiên chợ để cảm nhận cái thú của việc đi chợ phiên, hít hà không khí của một phiên chợ vùng cao có lẽ là một trải nghiệm mà bạn khó có thể khước từ.
Hội tụ sản vật địa phương
Quảng Ninh có nhiều chợ phiên ở các bản làng vùng cao, trong đó có 4 phiên chợ diễn ra nhộn nhịp với những nét văn hóa đặc trưng là chợ phiên Hà Lâu (Tiên Yên), chợ phiên Lương Mông (Ba Chẽ), chợ phiên Đồng Văn (Bình Liêu), chợ phiên Pò Hèn (Móng Cái).
Không giống chợ ở trung tâm thành phố họp chợ hàng ngày, chợ vùng cao có khi cả tháng mới có một phiên chợ và không phải xã nào cũng có chợ phiên, nên bà con rất háo hức và thường mỗi phiên chợ thu hút đông đảo người dân trong vùng cũng như du khách các vùng lân cận đến tham gia.
Hà Lâu là một trong 6 xã vùng cao của huyện Tiên Yên với khoảng 70% dân số là người dân tộc Dao sinh sống. Chợ phiên Hà Lâu đã có từ lâu đời, mang bản sắc của đồng bào dân tộc Dao. Đến năm 2022, xã Hà Lâu đã mở rộng quy mô chợ để trở thành chợ phiên văn hoá vùng cao của huyện Tiên Yên, phục vụ phát triển du lịch.
Chợ phiên Hà Lâu họp mỗi tháng một lần, với trên 20 gian hàng, bày bán các mặt hàng nông sản, từ rau củ quả, cây giống đến các sản phẩm OCOP của huyện Tiên Yên như bánh gật gù, bánh gio, gà Tiên Yên, mật ong rừng, ốc khe, cá khe, măng rừng, thuốc tắm, rượu men lá…
Phiên chợ không chỉ thu hút người Dao đến từ các thôn bản, xã của huyện Tiên Yên, mà còn cả bà con các dân tộc đến từ huyện Bình Liêu và các huyện lân cận của tỉnh Lạng Sơn sang mua bán, trao đổi hàng hóa.
Anh Tô Văn Giang, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên cho biết: Dưới các khu vực vùng thấp có những đồ hải sản hay những sản phẩm nông sản địa phương người dân đều mang lên chợ phiên Hà Lâu để bà con ở các địa bàn của huyện Tiên Yên được trao đổi hàng hóa và giao lưu sinh hoạt cộng đồng, tạo nên một nét đẹp văn hóa cho huyện Tiên Yên.
Còn với huyện Ba Chẽ, khi đến chợ phiên vùng cao Lương Mông, du khách sẽ cảm nhận ngay sự nhộn nhịp và sắc màu rực rỡ từ những gian hàng bày bán trang phục dân tộc, những món đồ trang sức độc đáo, hàng gia dụng, sản phẩm nông sản, dụng cụ lao động sản xuất, con giống, cây giống đến các đặc sản địa phương như các sản phẩm OCOP, thuốc nam, gạo nương, măng mai, củ mài, thịt trâu gác bếp, ngan đen, thịt lợn mẹt, các loại bánh… Đặc biệt là được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất bún tươi thủ công trong không gian chợ.
Chợ phiên Lương Mông họp vào các ngày 4, 14, 24 hàng tháng và được duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân các xã thuộc huyện Ba Chẽ mà còn nhân dân đến từ các huyện giáp ranh với Ba Chẽ như Sơn Động (Bắc Giang), Đình Lập (Lạng Sơn).
Du khách tham gia chợ phiên còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây như cơm lam nấu từ gạo nếp nương được nướng trong ống tre, hay thịt lợn mẹt, trâu khô nấu bỗng rượu, trâu khô xào.
Không gian văn hóa cộng đồng
Diễn ra vào những ngày cuối tuần, các phiên chợ như Lương Mông, Hà Lâu, Đồng Văn hay Pò Hèn tạo nên không khí nhộn nhịp và là một bức tranh sống động về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Tại đây, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc sản hấp dẫn của ẩm thực vùng cao mà còn được khám phá vẻ đẹp của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và hòa mình vào những hoạt động văn hóa truyền thống.
Ngày diễn ra phiên chợ, ngay từ sáng sớm, bà con dân tộc đã xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, nô nức xuống chợ. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ.
Phiên chợ đông người tham gia nhất thường là phiên chợ dịp cuối năm kết hợp tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Dao, tìm hiểu những nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Dao như Lễ cấp sắc, nghi lễ đám cưới truyền thống của người Dao, tham gia vào những trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, những hoạt động giao lưu văn nghệ đặc sắc, làm nên một không khí chợ phiên đặc trưng của vùng cao Đông Bắc.
Anh Bàn Hữu Liên, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ cho biết: Phiên chợ Lương Mông ngày càng nhộn nhịp, phong phú, nhân dân về đây không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn giao lưu văn hóa. Chúng tôi cũng mong muốn qua phiên chợ này có thể quảng bá hình ảnh xã Lương Mông và vùng đất con người Ba Chẽ đến du khách.
Còn chị Trần Thị Hương, người dân xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên chia sẻ: Những phiên chợ vùng cao là dịp để người dân có thể hội tụ về đây, chị em chúng tôi cũng xúng xính váy áo từ sớm, đời sống tinh thần của mọi người được nâng cao hơn, bà con cũng cảm thấy vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn khi được tham gia vào một phiên chợ với nhiều hoạt động rộn ràng như thế.
Chợ phiên không chỉ là một điểm đến hấp dẫn mà còn là biểu tượng cho sức sống văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Ninh. Nếu có dịp ghé đến, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội hòa mình vào không khí những phiên chợ sôi động, cảm nhận sự thân thiện của người dân nơi đây và khám phá vẻ đẹp phong phú của văn hóa bản địa ở các bản làng vùng cao Đông Bắc.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()