Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:02 (GMT +7)
Sắc hoa mùa xuân sau đại dịch
Thứ 5, 29/12/2022 | 08:11:38 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán - kỳ nghỉ lễ truyền thống lớn nhất trong năm đang đến gần. Các làng hoa trên địa bàn Quảng Ninh đều đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa xuân đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Một số địa điểm đã được đầu tư trở thành điểm đến du lịch hút khách, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp - du lịch xanh.
Làng hoa hối hả đón vụ xuân “phục hồi”
Tại vườn đào nhà anh Nguyễn Đức Quảng (thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), gần 1.000 gốc đào đã sẵn sàng chờ khách đến tham quan và chọn lựa mua về trang trí đón Tết. Anh Quảng cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, gia đình đã chăm sóc rất kỹ lưỡng từng gốc đào nhiều tháng nay. Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua có phần giảm, năm nay, từ đầu tháng chạp đã có khách và thương lái đến đặt trước gốc cây, báo hiệu một vụ đào sôi động trở lại.
Nghề trồng đào ở huyện Vân Đồn đã có từ lâu. Toàn huyện có gần 70ha trồng đào, tập trung ở các xã Hạ Long, Đài Xuyên và Đông Xá. Nhiều gia đình đã trồng đào qua nhiều thế hệ như nhà anh Quảng. Theo khảo sát thực tế của phóng viên tại các vườn, giá đào năm nay dao động từ 500.000 đến 3 triệu đồng/cây; những gốc cổ thụ lâu năm, dáng đẹp, thế uốn lượn có giá từ 2,5-10 triệu đồng/cây.
Theo ông Lê Văn Hoán, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), nghề trồng đào có thể đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân trên địa bàn. Ước tính, mỗi hộ trồng có thể thu nhập trung bình 30-40 triệu đồng/vụ, có những hộ trồng lớn có thể thu nhập đến 200 triệu đồng/vụ.
Còn tại phường Hoành Bồ (TP Hạ Long), với truyền thống hơn 50 năm trồng hoa, làng hoa Đồng Chè là nơi cung cấp lượng lớn hoa, cây cảnh cho du khách khắp nơi trong tỉnh, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Từ khoảng trung tuần tháng 11 (âm lịch) năm nay, làng hoa này đã tấp nập khách và phương tiện đến vận chuyển cây, hoa đi tiêu thụ.
Chị Vũ Thị Tuyến (Nhà vườn Đồng Tuyến, khu Trới 5, phường Hoành Bồ) cho biết: Không khí Tết của vụ hoa năm nay nhộn nhịp và phấn khởi hơn hẳn. Hơn 1 tuần nay gia đình tôi đã xuất bán nhiều loại hoa phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện vườn nhà tôi đã chuẩn bị sẵn hơn 2.000 chậu dạ yến thảo đủ màu sắc, hơn 3.000 cây hoa đồng tiền, hơn 4.000 gốc hoa ly, 2 vạn cúc và nhiều loại hoa khác. Nhìn chung tình hình thời tiết năm nay thuận lợi cho người trồng và các loại hoa đang phát triển tốt. Thời điểm này, gia đình tôi đang tích cực phun thuốc, bón phân, tưới nước cho hoa để kịp bán vụ Tết. Thương lái hiện đang đến vườn để lựa chọn và đặt mua.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP Hạ Long, thành phố thủ phủ của tỉnh hiện có trên 116ha trồng hoa phục vụ Tết, tập trung chủ yếu ở các xã, phường như: Hoành Bồ, Lê Lợi, Việt Hưng, Đại Yên, Quảng La... Chất lượng hoa ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khẳng định thương hiệu của địa phương.
Không chỉ tại Vân Đồn hay TP Hạ Long, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang hối hả tập trung phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Tại xã Bình Khê (TX Đông Triều), một trong những vùng trọng điểm sản xuất hoa, cây cảnh truyền thống của tỉnh, những cánh đồng hoa cúc, dơn, ly, violet... rộng lớn đang được chăm bón để nở đúng vụ Tết. Tổng diện tích trồng hoa, cây cảnh ở Bình Khê khoảng 50ha, như vậy phần lớn diện tích canh tác của xã trong những tháng cuối năm là dành cho trồng hoa, cây cảnh.
Theo lãnh đạo xã Bình Khê, ước tính diện tích trồng hoa, cây cảnh này có thể mang về cho người dân Bình Khê gần 100 tỷ đồng mỗi năm với thời gian canh tác khoảng 3 tháng cuối năm. Đồng đất Bình Khê vẫn cấy lúa, trồng màu trong suốt thời gian còn lại.
Được biết, để phát triển hiệu quả diện tích, mô hình trồng hoa tại các vùng trồng, các địa phương trong tỉnh như Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên... đang tiếp tục vận động chủ nhà vườn đầu tư KHCN, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh. Các địa phương cũng chủ động triển khai những lớp tập huấn kỹ thuật mới giúp người dân cập nhật kiến thức áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất.
Do đó, mặc dù sau 2 năm có sự giảm sút về tiêu thụ, các vùng trồng hoa vẫn đang có những bước phát triển đúng hướng, bền vững, đảm bảo khả năng phục hồi sau khi các hoạt động KT-XH trở lại bình thường. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương đang ngày càng phát triển thương hiệu, đem lại thu nhập cao, bền vững hơn cho người dân nơi đây.
Phát triển du lịch từ làng hoa, vườn quả
Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong chương trình xây dựng NTM đến năm 2025. Theo đó, Quảng Ninh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung 8 nhóm giải pháp chính theo đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025.
Trong đó, chú trọng các giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.
Một địa điểm du lịch hoa nổi tiếng là Thiên đường hoa Quảng La (xã Quảng La, TP Hạ Long). Từ một khu trồng hoa đơn thuần, nơi đây đã được đầu tư trở thành một trang trại hoa lớn, với không gian rộng mở, ngập tràn trong màu sắc rực rỡ của rất nhiều loại hoa. Ngoài những thảm hoa truyền thống như: Hoa bươm bướm, mào gà, dạ yến thảo... còn có nhiều loại hoa đến từ những vùng du lịch nổi tiếng như hướng dương Nghệ An, hoa tam giác mạch của vùng cao Hà Giang...
Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng, hòa mình vào không gian hoa mùa xuân đẹp và bình yên, mà còn tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như làm bánh, vẽ tranh… cũng như thưởng thức ẩm thực đặc sắc và có nhiều nét riêng của địa phương.
Càng gần đến dịp cuối năm, các thảm hoa nở rộ đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch, trong đó, nhiều trường học đã lựa chọn địa điểm này để tổ chức dã ngoại cho học sinh, tăng cường trải nghiệm thực tế, khơi dậy tình yêu và sự cảm nhận trong lành khi hòa mình thiên nhiên.
Cũng ngay tại TP Hạ Long, Khu du lịch Hoa Hạ Long (phường Việt Hưng) mới đưa vào khai thác trên diện tích 3ha cũng đang đón 200-300 khách/ngày, dịp cuối tuần có thể lên đến hơn 400 khách. Những mô hình du lịch gắn với hoa đã góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới cho TP Hạ Long trong dịp cuối năm, tạo sự kết nối đồng bộ với những sản phẩm du lịch 4 mùa tại trung tâm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh.
Một trong những điểm du lịch hoa tiên phong tại huyện miền núi Bình Liêu là Vườn hoa Cao Sơn (HTX hoa Bình Liêu) có diện tích khoảng 18.000m2 nằm ngay trên triền núi Cao Sơn, với phong cảnh núi rừng khoáng đạt và tinh khôi. Vườn hoa là sản phẩm du lịch mới lạ, rực rỡ của Bình Liêu. Sau một thời gian đóng cửa do dịch Covid-19, vườn hoa đã mở lại từ ngày 1/6/2022 để đón khách du lịch.
Theo anh Nguyễn Thanh Hải (HTX hoa Bình Liêu), đơn vị đã có kế hoạch trồng và chăm sóc đa dạng loại hoa, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách vui xuân, đón Tết. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng rất nhiều loại hoa như: Hồng, cẩm tú cầu, lan vũ nữ, tam giác mạch, đồng tiền, hoa chậu, hướng dương, hoa bươm bướm... Đồng thời, tham gia trải nghiệm hái dâu tây, cắt hoa lan vũ nữ, hoa đồng tiền hay mua những bó hoa, chậu hoa khoe sắc về làm quà. Hoa tại Vườn hoa Cao Sơn luôn có vẻ đẹp rất riêng khi được phát triển trong thời tiết và không gian núi rừng.
Từ đầu tháng 12, tour du lịch trải nghiệm vườn cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đang trở thành một trong những sản phẩm du lịch nông nghiệp hút khách. Cam Vạn Yên là một trong những nông sản tiêu biểu của Quảng Ninh với vị thơm, ngọt đậm đà. Cây cam ở Vạn Yên được người dân trồng, chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn nước tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra, phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam rất sạch và ngon. Hiện trên địa bàn xã Vạn Yên có hơn 180 hộ gia đình trồng cam, với tổng diện tích khoảng 183ha. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 200 tấn.
Với hình thức du lịch sinh thái mới này, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm thu hút nhiều khách du lịch. Mùa cam năm nay, nhiều chủ vườn ở Vạn Yên đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ ngơi, ăn uống để phục vụ cả nhu cầu vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương, để sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tham gia các hoạt động khác. Từ đó, tạo thêm nguồn thu nhập cho các nhà vườn.
Anh Hoàng Văn Hùng, chủ Vườn cam 66 (HTX Nông trang Vạn Yên) cho biết: Vườn cam của gia đình rộng 6ha trồng hơn 2.000 cây, trong đó có những cây đã 40 năm tuổi. Dù mới chỉ mở cửa đón khách khoảng 1 tháng, nhưng vườn cam đã liên tục đón những đoàn khách từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ.
Được biết, huyện Vân Đồn đã xây dựng đề án Phát triển vùng trồng cam tập trung kết hợp du lịch sinh thái, nhằm phát triển mạnh mẽ hơn mô hình này. Trong thời gian tới, huyện sẽ mở thêm tuyến đường vào khu vực các vườn cam để thuận tiện cho nhà vườn đón khách, chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… cho các khu vực.
Vẻ đẹp của đất trời luôn hội tụ hoàn mĩ trên từng bông hoa mùa xuân. Hình ảnh những cánh đồng hoa, những vườn hoa ngập tràn tiếng cười trải dài từ miền quê đến đô thị của Quảng Ninh đang là sắc màu, thanh âm tươi tắn nhất chào đón một mùa xuân mới phục hồi sau giai đoạn nhiều khó khăn do đại dịch, mở ra một động lực mới cho năm mới 2023 đang đến rất gần.
Hùng Sơn - Phương Loan
Liên kết website
Ý kiến ()