Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:36 (GMT +7)
"Rừng vàng" Đồng Rui
Thứ 2, 30/01/2023 | 10:44:36 [GMT +7] A A
Đồng Rui được đánh giá là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc hiện nay, với gần 3.000ha, chiếm hơn nửa diện tích đất tự nhiên của xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Ở đây có nhiều loại cây đã hàng trăm năm tuổi được bảo tồn nghiêm ngặt để duy trì nguồn gen quý. Đặc biệt, với người dân xã đảo Đồng Rui, rừng ngập mặn còn là nguồn sống của nhiều thế hệ, với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Vì vậy, trong những năm qua, người dân và chính quyền đã cùng chung tay, thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của rừng.
Hồi sinh những cánh rừng
Từ đầu QL18 vào xã Đồng Rui đã thấy ngập một màu xanh của những cánh rừng ngập mặn. Cây lớn cây bé xen kẽ nhau đan chặt thành một hệ sinh thái đầy sức sống. Nhìn từ xa, cả khu rừng ngập mặn giống như mâm xôi khổng lồ xanh ngắt. Đi thẳng con đường dẫn vào xã đảo, dễ dàng bắt gặp hai bên đường những bao ngao lớn nhỏ vừa được người dân đánh bắt lúc sáng sớm để thương lái thu mua chuyển về Hạ Long, Cẩm Phả và các tỉnh lân cận.
Bà Hương, chủ một cửa hàng thu mua hải sản ở đây cho biết: Mỗi ngày, cửa hàng tôi thu mua từ 30-80kg ngao của những người dân trong xã. Vào những đợt thủy triều rút sớm, lượng ngao mỗi ngày lên đến hàng tạ. Không chỉ ngao, sâu đất cũng rất được giá. Giá sâu đất chưa chế biến là 130.000 đồng/kg, đã chế biến là 500.000-600.000đồng/kg, tương đương với cả tạ thóc.
Kể cho chúng tôi nghe về sự thay đổi của những cánh rừng và cả ý thức người dân để được như hôm nay, ông Trần Trung Kiên, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thượng, xã Đồng Rui cho biết: Tôi là dân gốc Hải Phòng nhưng di cư đến đây sinh sống và gắn bó hơn nửa đời người trên mảnh đất này, từ những ngày nơi đây còn “đồng không mông quạnh”, chưa có người ở. Nhưng với diện tích rừng ngập mặn lớn nên Đồng Rui là nơi “trên cơm dưới cá”, nuôi sống những hộ dân đầu tiên ra khai hoang, lập nghiệp.
Đồng Rui là vùng đất nằm ở cửa sông, được bồi đắp từ hai dòng sông Ba Chẽ và Mông Dương tải phù sa chắt lọc từ vùng núi cao trùng điệp phía Tây. Địa lợi đã tạo nên cho Đồng Rui những khu rừng ngập mặn đa dạng sú, đước, trang, bần, vẹt, mắm, giả… Những giống cây này cứ theo dòng nước, không ngừng sinh sôi nảy nở tạo nên một hệ sinh thái rừng rậm rạp, phì nhiêu với đủ các loại hải sản giá trị bám thân cây, tán cây để sống.
Đặc biệt, nơi đây còn là nơi cư trú của loài ngán và cua, đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh. Ngán là loài nhuyễn thể ưa sống trong bùn mặn, rất khó để nuôi nhưng giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao gấp 4-5 lần so với các loài nhuyễn thể khác. Cua sống trong rừng ngập mặn cũng có vị đậm đà hơn cua nuôi, thịt chắc, vị thơm ngon. Không chỉ các loài thủy, hải sản, cũng từ rừng, chim di trú từ phương Bắc như két, ngỗng trời cũng theo về tránh đông, chim bản địa bay về làm tổ. Cứ như vậy, rừng trở thành giá thể cho các loài sinh sống và trở thành một đặc ân sinh kế cho những người dân nơi đây.
Tuy vậy, những năm từ 1992 đến 1997, phong trào nuôi tôm ở Đồng Rui nở rộ, hàng ngàn ha rừng bị tàn phá vào các mục đích khác nhau như: Đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản, khai thác cây làm củi đun, đẽo vỏ cây để nhuộm lưới chài, muối hải sản..., khiến cho môi trường bị ô nhiễm, bãi triều tan hoang, xói lở rửa trôi, nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt. Đến năm 1998, xác định rừng ngập mặn có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần giảm thiểu thiên tai cho hệ thống đê biển, ổn định cuộc sống của người dân địa phương, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân đã quyết tâm hồi sinh những cánh rừng.
Ông Vũ Văn Nhãn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn chia sẻ: Khi ấy, nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ, nhà khoa học của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, của các cơ quan như: Tổ chức KVT (Hà Lan ), ACTMANG (Nhật Bản), Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cùng với địa phương. Từ đó, tuyên truyền cho nhân dân, tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ từ xã đến thôn nên đã quản lý tốt các diện tích rừng còn lại và trồng mới, trồng dặm rừng trên những diện tích bãi trống và những đầm bỏ hoang.
Nhờ đó, tình trạng đắp đầm nuôi tôm, chặt phá rừng đã chấm dứt hoàn toàn. Cùng với đó là hơn 1.300ha rừng ngập mặn được trồng tại xã Đồng Rui và hàng trăm ha được trồng tại các xã trên địa bàn huyện Tiên Yên. 100% diện tích rừng ngập mặn tự nhiên hiện có và mới trồng trên địa bàn xã được phục hồi quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, môi trường được cải thiện, các nguồn lợi thuỷ sản trước đây bị cạn kiệt thì nay đã được hồi sinh, tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống cho cộng đồng; môi trường cũng được cải thiện đáng kể. Đến nay, diện tích rừng phòng hộ ven biển của xã Đồng Rui đã tăng lên gần 2.200ha. Đây thực sự là vành đai xanh, cũng là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ thống đê biển cũng như tính mạng, tài sản của người dân xã Đồng Rui.
Để màu xanh còn mãi
Để bảo vệ những cánh rừng, cách đây hơn 10 năm, tổ quản lý rừng ngập mặn của các thôn đã được thành lập gồm 5-6 người/tổ, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra kiểm soát và nhắc nhở bà con bảo vệ rừng.
Thấy chúng tôi còn thắc mắc về số lượng người dường như quá ít so với diện tích rừng phải quản lý, ông Vũ Văn Nhãn giải thích: Rừng rộng hàng nghìn mét vuông, chỉ vài người trong tổ chắc chắn là không đủ. Nhưng rừng vẫn được bảo vệ, vẫn tiếp tục sinh trưởng tốt vì đằng sau đó chính là người dân, những người gắn bó và sinh sống hàng ngày dưới tán rừng. Những quy định bảo vệ rừng ngập mặn không chỉ được đưa cụ thể vào hương ước làng xóm mà còn là trách nhiệm của từng người dân. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, rừng tổn hại đồng nghĩa với nguồn sống của mình bị tổn hại. Vì vậy, bất cứ người dân nào cũng có trách nhiệm với rừng, có trách nhiệm với chính bản thân và con cháu sau này. Họ không còn chặt phá rừng mà nâng niu từng cây con, trồng rừng ở bất cứ khu vực đất nào còn trống.
Mới buổi sáng, nước còn ngập ngang thân những cây sú, cây vẹt mà chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thủy triều đã rút cạn lộ ra những bãi sình lầy trù phú dưới tán rừng. Nắng vàng hanh hao đầu giờ chiều dường như xua tan giá rét của cái lạnh cuối đông. Từ trên đê nhìn xuống, bóng lưng của những người phụ nữ cần mẫn đào ngao đổ dài trên mặt bùn. Tôi mượn 1 đôi ủng từ nhà dân gần đó, men theo triền đê đi xuống. Đất bùn dính chặt lấy ủng, đi mươi bước tôi đã thở dốc.
Đến gần bắt chuyện, tôi làm quen với cô Tuyết (59 tuổi, người dân thôn Hạ). Cô Tuyết bảo: Tranh thủ ngày nông nhàn, tôi cùng người dân trong xóm đi đào ngao. Dụng cụ “hành nghề” chỉ cần một chiếc cuốc nhỏ và 1 thùng sơn đã cũ để đựng ngao. Ngao giá 10.000 đồng/kg, mỗi ngày đào được 10kg cũng kiếm thêm 1 phần thu nhập. Tay cô liếng thoắng đào, chẳng mấy chốc đầy 1 xô. Cô đưa cho tôi xem 1 con ngao to bằng 1/4 lòng bàn tay, những con nhỏ hơn lại thả đi.
Không chỉ cô Tuyết, hầu hết người già, phụ nữ, trẻ em trong thôn, ai cũng có thể kiếm sống từ rừng ngập mặn. Ít thì có bữa ăn qua ngày, nhiều cũng được vài chục đến vài trăm nghìn. Rừng ngập mặn Đồng Rui mang đến những “món quà của biển” để nuôi sống người dân nơi đây. Nhưng vẫn còn những người chưa ý thức được giá trị của rừng, của việc cộng sinh giữa con người và thiên nhiên. Cũng trong buổi chiều hôm đó, công an xã đã phát hiện và bắt giữ 4 chiếc thuyền sử dụng công cụ đánh bắt tận diệt. Công an xã chỉ có 2 người nhưng chỉ sau một cuộc điện thoại những người trong tổ bảo vệ rừng, bí thư, trưởng thôn cũng đã có mặt để xử lý vụ việc. Mỗi người có một lý do khác nhau nhưng không ai có thể biện minh và bao che cho hành động khai thác tận diệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản trong một hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Mặt trời đã ngả bóng về phía Tây, tôi trở về UBND xã mang theo những trăn trở sau một ngày tìm hiểu về rừng ngập mặn ở Đồng Rui. Dù 5 giờ chiều nhưng văn phòng UBND xã vẫn bận rộn công việc.
Chị Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Có nhiều cách để bảo vệ rừng ngập mặn, bên cạnh những biện pháp truyền thống như tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời xử phạt thật nghiêm minh những người có hành vi cố ý vi phạm phá rừng như: Đắp đầm nuôi trồng thuỷ sản, chặt củi, đẽo vỏ cây hoặc khai thác hải sản làm chết cây; không phát triển các khu công nghiệp, nhà máy trên diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ quy hoạch mở rộng diện tích trồng rừng… Ngoài ra, chị Hạnh cũng chia sẻ những dự định còn dang dở của địa phương, về dự án phát triển khu du lịch sinh thái tại Đồng Rui đã nhiều năm chưa được triển khai.
Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của rất nhiều loại thuỷ, hải sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao kể cả mặt nước và tầng đáy. Rừng đã mang lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Tuy nhiên, về sinh kế lâu dài, cần tính toán phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh và huyện Tiên Yên quan tâm hơn nữa, là cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp uy tín đến khảo sát, đầu tư du lịch, dịch vụ một cách bài bản và chuyên nghiệp. Trong đó đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ nhân giống những loại thủy sản có giá trị, phục vụ cho dịch vụ du lịch tại địa phương. Có như vậy, rừng ngập mặn mới phát triển và mang đến những giá trị bền vững.
Khu đất ngập nước Đồng Rui được đánh giá là có đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đã quy định trong Công ước Ramsar. Trong 1.227 loài tại Đồng Rui, đã xác định được 67 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn theo cấp độ khác nhau. Tháng 8/2020, Sở TN&MT đã lập hồ sơ đề nghị công nhận khu Ramsar cho Khu đất ngập nước Đồng Rui. Dự án đã tiến hành nghiên cứu điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các số liệu về tự nhiên, môi trường, đa dạng sinh học, KT-XH tại khu vực đất ngập nước Đồng Rui… theo hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Ramsar. Việc sớm được công nhận là khu Ramsar trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao vị thế của vùng đất ngập nước Đồng Rui nói chung và rừng ngập mặn Đồng Rui nói riêng đối với các quốc gia trên thế giới. Từ đó, tỉnh sẽ có những biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển tài nguyên sinh vật của vùng. Việc được công nhận khu Ramsar cũng là cơ sở khoa học để quảng bá hình ảnh về đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước Đồng Rui đối với cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước; tăng cường sự hấp dẫn để thu hút đầu tư về nghiên cứu khoa học cũng như phát triển kinh tế nói chung và du lịch sinh thái nói riêng. |
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()