Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:52 (GMT +7)
Rừng ngập mặn - “Lá phổi xanh” và sinh kế bền vững
Thứ 6, 30/12/2022 | 15:22:37 [GMT +7] A A
Rừng ngập mặn ở Quảng Ninh vừa giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu lại vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cửa sông, ven biển.
Dự án “Trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thảm họa” trên địa bàn Quảng Ninh do Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Nhật Bản tài trợ năm 1997 đến nay mang lại hiệu quả rất tích cực. Trong 8 năm (1997-2005), thông qua Hội CTĐ tỉnh, dự án đã trồng mới 1.822 ha rừng ngập mặn tại 19 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố giáp biển trong tỉnh gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái.
Năm 2012, Hội CTĐ tỉnh phối hợp khảo sát nghiệm thu, đánh giá hiệu quả việc trồng rừng ngập mặn của dự án cho thấy, diện tích rừng ngập mặn còn 865 ha ở 8 xã, phường (giảm 957ha). Năm 2017, Hội CTĐ tỉnh cùng các ngành liên quan tổ chức điều tra, rà soát, cập nhập số liệu, thống nhất ranh giới, diện tích hiện trạng rừng ngập mặn nằm trong dự án tại 8 xã, phường. Kết quả, sau 5 năm (2012-2017) diện tích rừng ngập mặn còn 672,34 ha (giảm 192,7ha).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm diện tích rừng ngập mặn như: rừng trồng bị ngập sâu kéo dài, hà bám thân cây, bãi bồi có độ mùn quá mỏng; một số giống cây trồng không phù hợp với địa phương; diện tích rừng ngập mặn nằm trong dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nguồn nước bị ô nhiễm do xả thải của các nhà máy, xí nghiệp ở một số địa phương dẫn đến tình trạng cây rừng ngập mặn bị suy kiệt và chết dần...
Qua hơn 20 năm triển khai dự án “Trồng rừng ngập mặn, giảm thiểu rủi ro thảm họa” do tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng ngập mặn được trồng hiện tại có 672,34 ha duy trì ổn định, phát triển tốt; góp phần đảm bảo đa dạng sinh học, chống sụt lún trước biến đổi khí hậu, phòng ngừa nước biển dâng. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn của dự án đã được chuyển giao cho địa phương quản lý và được số hóa cập nhật trên bản đồ về rừng ngập mặn của tỉnh; giúp việc quản lý bài bản, khoa học, chặt chẽ để bảo vệ và duy trì hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn tỉnh bền vững.
Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tổ chức phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản (ACTMANG), 2 đơn vị nghiên cứu và tài trợ cho dự án đi kiểm tra, đánh giá diện tích rừng ngập mặn đã trồng trên địa bàn tỉnh và khảo sát kế hoạch trồng rừng ngập mặn cho năm sau.
Vào tháng 12/2022, cán bộ của Viện Tài nguyên và Môi trường cùng chuyên gia của Tổ chức ACTMANG đã trực tiếp đi khảo sát đánh giá về diện tích rừng ngập mặn của Hội CTĐ tỉnh đã trồng trước đây tại TX Quảng Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà và TP Móng Cái. Quá trình khảo sát tại các địa phương, các chuyên gia đánh giá quá trình phát triển cây đã trồng trước đây, tác động môi trường lên diện tích rừng ngập mặn và đưa ra giải pháp duy trì bảo vệ rừng ngập mặn...
Ông Phan Hồng Anh, cán bộ Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết: Rừng ngập mặn có tác dụng rất lớn về mặt sinh thái phòng chống thiên tai bão lũ, nhất là nước biển dâng. Rừng ngập mặn còn tạo sinh kế cho người dân địa phương. Khi có một nguồn lợi lớn thủy sản cư ngụ, sinh sản, phát triển tại rừng ngập mặn và người dân địa phương biết khai thác hợp lý rừng ngập mặn thì đây sẽ là nguồn sinh kế đảm bảo đời sống, thu nhập ổn định cho người dân khu vực.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, Hội CTĐ tỉnh, tiếp tục phối hợp với Viện Tài nguyện và Môi trường, Tổ chức ACTMANG hỗ trợ dự án Pha 6 (giai đoạn 2023-2028) dự kiến trồng 200-300ha rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay diện tích bãi trống để trồng rừng ngập mặn không còn nhiều nên tiến hành trồng xen, trồng dặm bổ sung vào diện tích rừng ngập mặn tự nhiên kém chất lượng hiện có tại các địa phượng ven biển trong tỉnh.
Ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương ven biển có rừng ngập mặn phối hợp triển khai việc trồng, phục hồi rừng ngập mặn này. Đồng thời, chỉ đạo Hội CTĐ cấp huyện tham gia quản lý rừng ngập mặn phối hợp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ và nhân dân về trồng rừng ngập mặn. Mục tiêu để người dân hiểu rõ việc trồng rừng ngập mặn gắn với sinh kế của bản thân, gia đình với công tác bảo vệ môi trường và tích cực tham gia vào các hoạt động trồng, bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()