Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:04 (GMT +7)
Rừng là vàng
Thứ 5, 06/06/2024 | 10:05:37 [GMT +7] A A
Những lợi ích từ rừng mang lại không chỉ là kinh tế, thu nhập cho người dân, chủ rừng, mà còn là lá phổi xanh, giúp điều hòa, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ những giá trị đó, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của rừng và đất rừng.
Làm giàu từ những cánh rừng
Với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự nhạy bén của người dân, nguồn lợi từ phát triển rừng sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá giả.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Bình Liêu thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Gia đình ông Dường Chống Thím (thôn Nà Pò, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) có gần 10ha trồng hồi đang vào độ thu hoạch. Những năm gần đây, nguồn thu từ rừng hồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được khoảng 4-6 tấn quả, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông Thím cho biết: Hồi là một trong những loại cây cho giá trị kinh tế cao và có thể khai thác được nhiều lần. Từ rừng hồi, cuộc sống gia đình tôi đang ngày càng ấm no hơn.
Còn với gia đình chị Loan Thị Thúy (thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), phát triển kinh tế rừng cũng đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, đặc biệt khi diện tích rừng sở của gia đình đang mang lại lợi nhuận kép. Chị Thúy cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 1ha rừng sở, mỗi năm cho thu hoạch 2-2,5 tấn hạt, bán cho các cơ sở thu mua ép dầu. Nhận thấy tiềm năng phát triển rừng sở gắn với du lịch, năm 2021 chúng tôi đã xây dựng homestay "Hoa sở" ngay tại rừng sở thôn Đồng Long để có thêm nguồn thu từ diện tích rừng hiện có.
Cũng là địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn, những năm gần đây, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Rừng trồng được chăm sóc, bảo vệ tốt, mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ dân.
Tận dụng 5ha đất rừng, ông Triệu Quý Bảo (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã phát triển mô hình trồng trà hoa vàng xen kẽ dưới tán rừng quế, sa mộc… Mỗi cây trà, ông Bảo thu về 1-2kg hoa tươi, tương đương khoảng 1 triệu đồng/cây/năm. Lá trà hoa vàng tươi cũng được tiêu thụ rộng rãi với giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000-500.000 đồng/kg.
Ông Bảo cho biết: Với giá bán thành phẩm ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, nhu cầu cao, nên giờ đây trà hoa vàng đã trở thành cây thoát nghèo của gia đình tôi và nhiều người dân trong xã. Trừ các chi phí, việc bán hoa, lá và cây giống đã mang lại thu nhập cho gia đình 200-300 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, từng bước làm giàu.
Còn tại Điền Xá, một xã vùng cao của huyện Tiên Yên, kinh tế rừng cũng đang là hướng thoát nghèo, làm giàu của nhiều người dân nơi đây. Bên cạnh sự chủ động từ phía người dân, các giải pháp về tuyên truyền, động viên, hỗ trợ cây, con giống, vốn vay, tập huấn kỹ thuật trồng rừng đã được xã triển khai nhằm tiếp sức cho các hộ phát triển mô hình kinh tế rừng. Nhờ đó, đến nay nhiều ha rừng trên địa bàn đã phát triển mạnh mẽ, đem lại thu nhập ngày càng cao cho người dân. Anh Chìu Văn Hương (thôn Khe Vang, xã Điền Xá, huyện Tiên Yên) cho biết: Nhờ trồng rừng, kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn, xây được nhà, mua được xe, lo cho con cái học hành đầy đủ. Gia đình tôi cũng tiếp tục phát triển mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi để gia tăng thu nhập.
Làm giàu từ rừng và làm giàu rừng là mục tiêu của Quảng Ninh hướng đến. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Khi rừng được bảo vệ và phát triển, vốn rừng được đảm bảo và ngày càng nâng cao giá trị thì chủ rừng, lao động nghề rừng, các đơn vị doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế gắn với rừng có quyền và hoàn toàn có thể làm giàu từ rừng. Thực tế hiện nay đất rừng, nghề rừng mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân.
Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, rừng đang mang lại việc làm cho khoảng 60.000 lao động, thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó đồng bào DTTS, miền núi chiếm tỷ lệ lớn. Đáng nói, thu nhập từ rừng có tính lũy kế, sau chu kỳ trồng rừng 6 năm, chủ rừng có thu nhập ít nhất gần 200 triệu đồng (tính theo định mức diện tích giao đất giao rừng không quá 2ha), đủ để họ có tích lũy hoặc tái đầu tư theo hướng mở rộng.
Để rừng mãi là nguồn tài nguyên vô giá
Rừng chính là vàng, để biến rừng thành vàng thực sự thì cần phải biết quý trọng và bảo vệ rừng. Đối với Quảng Ninh, rừng không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh đang có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, xếp thứ 18 toàn quốc, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Độ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt gần 55%, xếp thứ 14 toàn quốc. Rừng ngày càng được tỉnh quan tâm đầu tư. Việc trồng cây gây rừng đã trở thành nét đẹp văn hoá, thành hành động đặc trưng của người Quảng Ninh. Hằng năm, tỉnh phát động, tổ chức các đợt ra quân thực hiện Tết trồng cây mỗi dịp xuân về, nhằm nhân lên những cánh rừng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng lợi ích kinh tế từ rừng. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã trồng được 13.565ha rừng tập trung, trong đó có 1.050ha lim, giổi, lát. Quý I/2024, toàn tỉnh trồng 3.005,97ha rừng tập trung, trong đó có 187,36ha lim, giổi, lát. Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng được nâng cao.
Bên cạnh trồng rừng, tỉnh chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước, rừng ngập mặn; bảo vệ, phục hồi tối đa diện tích rừng tự nhiên cũng như duy trì, củng cố các khu rừng đặc dụng hiện có. Mục tiêu cao nhất là tranh thủ lợi ích từ rừng để phát triển bền vững, giữ gìn môi trường sinh thái cho muôn đời sau.
Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cũng được bảo vệ tốt, trong đó có gần 71.000ha rừng tập trung được bảo vệ nghiêm ngặt tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị quốc phòng và các công ty lâm nghiệp. Còn lại trên 51.350ha được quản lý, bảo vệ bởi các doanh nghiệp, UBND các xã và trên 36.000 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật. Đây là nền tảng để rừng Quảng Ninh có chủ, đảm bảo rừng được chăm sóc, phát huy giá trị ngày càng cao hơn.
Với chiến lược phát triển bền vững, tỉnh xác định trọng tâm là phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế; đồng thời, lấy người nông dân làm chủ thể trung tâm, kết hợp giữa phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và bản sắc văn hoá dân tộc để tạo ra giá trị kinh tế cao nhất dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng...
Đặc biệt, tỉnh cũng đã có những quyết sách rất kịp thời, trúng, đúng trong đầu tư cho rừng, để phát huy giá trị của rừng cho hôm nay và mai sau. Đó là Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên của Quảng Ninh, cũng là nghị quyết chuyên đề về rừng đầu tiên trong cả nước.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Chính sách hỗ trợ này được triển khai với nhiều ưu đãi cho người trồng rừng, đó là hỗ trợ 100% cây giống, lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng chính sách... Qua đó, tạo động lực rất lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại lợi ích kép, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh.
Để rừng tiếp tục phát huy giá trị, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế; phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung sắp xếp các công ty lâm nghiệp, tăng cường giao đất, giao rừng, trồng rừng thay thế, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo đột phá, nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp... từ đó đưa rừng Quảng Ninh ngày càng phát triển bền vững, vừa góp phần bảo vệ đất đai, khí hậu, nguồn nước... vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân trên địa bàn.
Đặng Dung - Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()