Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:44 (GMT +7)
Rừng gỗ quý – Của để dành cho mai sau
Thứ 2, 18/04/2022 | 14:49:15 [GMT +7] A A
Trong một buổi tham gia Tết trồng cây xuân Nhâm Dần 2022 tại huyện Ba Chẽ, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, từng chia sẻ với người dân nơi đây: “Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương trồng lim, giổi, lát là những cây bản địa có giá trị kinh tế cao, có giá trị lớn đối với bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là giữ nguồn sinh thủy cho các con sông suối, hồ nước. Tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích người dân không trồng keo chuyển sang trồng lim, lát, giổi và dưới tán rừng trồng ba kích, trồng cây dược liệu quý để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trồng rừng gỗ lớn cũng là của để dành có giá trị cao cho con cháu chúng ta mai sau”.
Hiện thực hoá chủ trương về trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng giống cây có giá trị kinh tế cao như lim, giổi, lát, năm 2019, Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Tiếp đó, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đây là một trong những chủ trương quan trọng để Quảng Ninh kiên định, quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, nâng cao công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quảng Ninh hiện có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp lớn gần 436.000ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, trên 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù Quảng Ninh có tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,06% cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, nhưng phần nhiều là rừng sản xuất, rừng gỗ lớn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Xuất phát từ thực trạng này, nhằm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và phát triển lâm nghiệp bền vững, năm 2022 này, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng 2.500ha lim, giổi, lát. Quảng Ninh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện hoàn thành mục tiêu trồng lim, giổi, lát. Cụ thể, Đông Triều 50ha, Uông Bí 50ha, Hạ Long 485ha, Cẩm Phả 50ha, Vân Đồn 250ha, Ba Chẽ 480ha, Tiên Yên 446ha, Bình Liêu 200ha, Đầm Hà 259ha, Hải Hà 184ha, Móng Cái 50ha.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng cây gỗ quý trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn yêu cầu các huyện, thị, thành ủy quyết liệt chỉ đạo hoàn thành mục tiêu trồng lim, giổi, lát. Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, phân công ủy viên ban thường vụ theo dõi cơ sở, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, khuyến khích người dân trồng lim, giổi, lát. Kết quả thực hiện trồng lim, giổi, lát được xác định là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ này. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, tập đoàn tích cực tham gia, hỗ trợ trồng lim, giổi, lát trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn năm 2022, tính đến hết quý I, toàn tỉnh trồng được 244,25ha rừng lim, giổi, lát, bằng 9,7% kế hoạch năm. Điều này cho thấy khối lượng công việc còn lại trong năm là rất lớn. Theo tìm hiểu thì một trong những nguyên nhân khiến tiến độ trồng lim, giổi, lát chưa đạt tiến độ đề ra là do người trồng rừng còn băn khoăn bởi trồng rừng gỗ lớn mất nhiều thời gian, trong khi cuộc sống hàng ngày vẫn cần rất nhiều chi phí. Chính vì vậy, để việc trồng lim, giổi, lát đạt kế hoạch đề ra, ngoài việc hỗ trợ về cây giống và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay trồng rừng, các địa phương, ban, ngành liên quan cũng cần tính đến kế hoạch trồng các loại cây ngắn ngày, trồng ba kích, cây dược liệu quý… xen kẽ với lim, giổi, lát để giúp người dân lấy ngắn nuôi dài, qua đó ổn định cuộc sống. Làm được như vậy chắc chắn người dân trên địa bàn tỉnh sẽ hưởng ứng nhiệt tình trồng lim, giổi, lát, qua đó tích cóp để dành cho mai sau những cánh rừng gỗ lớn có giá trị.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()