Bộ Quốc phòng Nga trong khi đó phủ nhận việc xảy ra va chạm, cho rằng UAV Mỹ rơi do phi công điều khiển xử lý sai.
"Máy bay không người lái MQ-9 đã ngoặt gấp, mất kiểm soát và rơi", Bộ Quốc phòng Nga cho hay. "Các chiến đấu cơ Nga không sử dụng vũ khí, không tiếp xúc với UAV và đã trở về sân bay an toàn".
Bộ Quốc phòng Nga còn cáo buộc chiếc Reaper Mỹ đã bay gần biên giới và xâm phạm "khu vực hạn chế" do giới chức Nga thiết lập. Moskva tuyên bố vùng trời rộng lớn xung quanh bán đảo Crimea là "khu vực hạn chế bay", dù luật pháp quốc tế không cho phép quốc gia nào lập "vùng hạn chế" bên ngoài không phận của mình.
Đến nay, phía Nga dường như vẫn từ chối các nỗ lực từ Mỹ nhằm trao đổi về sự việc. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vẫn chưa nói chuyện được với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu.
Lầu Năm Góc hồi tháng ba năm ngoái thiết lập một "đường dây giảm xung đột" để liên lạc trực tiếp với quân đội Nga nhằm ngăn chặn tính toán sai lầm và nguy cơ leo thang trong xung đột Ukraine. Nhưng một số cuộc gọi mà Mỹ thực hiện trên đường dây nóng này đã không được Nga hồi đáp vào những thời điểm quan trọng.
Hồi tháng 11/2022, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã cố gắng liên lạc với người đồng cấp Nga sau khi một quả tên lửa bay lạc sang lãnh thổ Ba Lan, nhưng không thể kết nối. Cả Austin và Milley đều không thể trao đổi bất kỳ thông tin nào với các đối tác Nga kể từ tháng 10.
Dù vậy, Washington vẫn có ý định duy trì đường dây nóng với Moskva, bất chấp căng thẳng giữa hai nước, theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby.
Vụ va chạm là sự cố trên không đầu tiên giữa Nga và một thành viên NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hơn một năm trước. Nó phản ánh thực tế rằng những hệ lụy từ cuộc chiến và nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến leo thang căng thẳng là rất lớn, giới quan sát đánh giá.
"Lo lắng lớn nhất của tôi, ở cả Biển Đen hay Thái Bình Dương, là một máy bay, tàu chiến Nga hay Trung Quốc tiếp cận quá gần, trong khi phi công hay thuyền trưởng không nhận ra họ đang ở đâu và gây ra va chạm", Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, tướng David Berger, nói.
"Đó là một diễn biến rất nhạy cảm trong xung đột Ukraine, bởi là lần chạm trán trực tiếp đầu tiên mà công chúng biết đến giữa phương Tây và Nga", Elisabeth Braw, chuyên gia nghiên cứu về các mối đe dọa hỗn hợp và vùng xám tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, trụ sở ở Washington, nhận định.
Nhiều chuyên gia quân sự phương Tây nói rằng lần đầu tiên họ nghe về việc một chiến đấu cơ Nga xả nhiên liệu lên máy bay NATO, nhưng nó phù hợp với xu hướng leo thang hành động từ phi công Nga trong những lần chạm trán với máy bay Mỹ và phương Tây trước đây.
Năm 2020, chiến đấu cơ Nga đã bay cắt mặt oanh tạc cơ B-52 Mỹ hoạt động trên Biển Đen, áp sát ở khoảng cách 30 m, gây nhiễu động với máy bay Mỹ. Cường kích Nga năm 2021 bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đang tham gia một cuộc diễn tập ở Biển Đen. Mỹ sau đó lên tiếng phản đối, nhưng không quá quyết liệt, do các sự cố không gây hậu quả lớn.
Nhưng mức độ nghiêm trọng của lần chạm trán này đã khiến nhiều thành viên quốc hội Mỹ giận dữ. Thượng nghị sĩ Jack Reed, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chỉ trích Nga "liều lĩnh và vô lý".
"Không có cách nào khác để mô tả hành vi của Nga trong vụ va chạm với UAV Mỹ trên vùng biển quốc tế", Reed viết trên Twitter. "Kiểu khiêu khích này của Nga phải chấm dứt".
Ông cho rằng giới chức Mỹ phải điều tra sự việc "đáng lo ngại này" đã diễn ra như thế nào và xác định mức độ khiêu khích trong hành động của phi công Nga.
Nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, trong khi đó nhấn mạnh sự việc là "một bằng chứng nữa cho thấy mối đe dọa Nga gây ra đối với Mỹ và NATO vẫn chưa giảm bớt".
"Tôi muốn nói với Tổng thống Putin, hãy chấm dứt hành động này trước khi nó biến thành khởi đầu của một tình huống leo thang không mong muốn", thượng nghị sĩ Charles Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, tuyên bố.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, sự việc khó có thể đẩy căng thẳng Mỹ - Nga vượt tầm kiểm soát, dù bối cảnh nó diễn ra tương đối phức tạp.
Mary Ellen O'Connell, giáo sư từ Trường Luật Đại học Notre Dame, Mỹ, cho rằng sự việc đã làm nóng thêm tình hình ở Biển Đen "vốn đã mong manh", nhưng bà lưu ý rằng quân đội Mỹ đã không gọi hành động của Nga là "bất hợp pháp".
"Rất có khả năng chiếc Reaper khi đó đang thực hiện nhiệm vụ giám sát, thu thập dữ liệu tình báo cho Ukraine, bên đang tham chiến với Nga. Theo luật xung đột vũ trang, Nga có thể thực hiện các hành động làm gián đoạn hành vi hỗ trợ đó", bà cho hay.
Theo Becca Wasser, chuyên gia tại viện nghiên cứu Trung tâm An ninh Mỹ Mới, sự cố va chạm có thể nghiêm trọng hơn so với những lần chạm mặt trước đây, nhưng do nó liên quan đến một máy bay không có người lái, căng thẳng khó có thể bùng nổ thành xung đột.
"Sự việc gây lo ngại sâu sắc, đặt trong bối cảnh nhạy cảm mà nó xảy ra, nhưng việc thiết bị đó là một máy bay không người lái sẽ giảm đáng kể phản ứng quyết liệt của các bên", bà nói.
Wasser dẫn chứng một sự cố tương tự vào năm 2019, khi Iran bắn hạ UAV RQ-4 Global Hawk của Mỹ, song Washington không có bất kỳ phản ứng quân sự trực tiếp nào.
Stephen Twitty, trung tướng đã nghỉ hưu, cựu phó chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), cho biết sự việc có thể được Nga và Mỹ dàn xếp, nhưng điều quan trọng là Washington không có những hành động làm căng thẳng leo thang thêm nữa.
"Chúng ta không thể liều lĩnh đẩy cả hai nước vào xung đột trực tiếp", ông nói. "Chúng ta không thể để Nga kích động Mỹ làm điều gì đó phi lý".
"Sự việc này không chỉ liên quan đến Mỹ và còn ảnh hưởng tới 29 quốc gia khác thuộc NATO", ông cho biết thêm. "Chúng ta cần hành xử hợp lý để không đẩy NATO hay Washington vào một cuộc xung đột trực diện với Moskva".
Ý kiến ()