Cassie được phát triển dưới sự chỉ đạo của giáo sư robot học Jonathan Hurst với khoản tài trợ 1 triệu USD từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Kể từ năm 2017, khi Cassie ra mắt, sinh viên OSU vẫn nghiên cứu áp dụng công nghệ học máy (machine learning) cho robot này.
Đây là robot hai chân đầu tiên dùng công nghệ học máy để điều khiển dáng chạy trên địa hình ngoài trời, hoàn thành quãng đường 5 km trong khuôn viên OSU sau một lần sạc và không cần dây nối an toàn.
"Sinh viên tại Phòng thí nghiệm Robot Động lực học của Trường Kỹ thuật thuộc OSU kết hợp kiến thức cơ sinh học và các phương pháp điều khiển robot sẵn có với những công cụ học máy mới. Cách tiếp cận này sẽ cho phép robot trình diễn ở mức giống như động vật. Điều đó thực sự rất thú vị", Hurst nhận xét.
Cassie có đầu gối gập lại giống như đà điểu. Nó tự học cách chạy với thuật toán học tăng cường sâu. Chạy đòi hỏi sự cân bằng động - khả năng duy trì trạng thái thăng bằng trong lúc đổi vị trí hay chuyển động. Cassie đã học cách thực hiện những điều chỉnh tinh vi để giữ được tư thế đứng thẳng khi di chuyển.
"Học tăng cường sâu là một phương pháp hiệu quả trong AI giúp phát triển các kỹ năng như chạy, nhảy và lên xuống cầu thang", Yesh Godse, sinh viên tại Phòng thí nghiệm Robot Động lực học, cho biết.
Trong tương lai, robot đi bộ sẽ trở nên phổ biến như ôtô và cũng tạo ra ảnh hưởng tương tự, theo Hurst. Điểm hạn chế hiện nay là khoa học và dữ liệu về sự di chuyển bằng chân, nhưng các nghiên cứu tại OSU đã mang đến nhiều đột phá.
"Trong tương lai không xa, mọi người sẽ bắt gặp và tương tác với robot ở nhiều nơi trong cuộc sống hàng ngày. Robot làm việc bên cạnh chúng ta và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống", Hurst nói. Ngoài những công việc như giao hàng, robot hai chân cuối cùng sẽ có đủ trí tuệ và độ an toàn để giúp con người ngay tại nhà, Hurst nói.
Ý kiến ()