Các thiết bị trên robot tự hành đã tắt và dữ liệu do nó thu thập được truyền về Trái Đất qua trạm đổ bộ. Cả robot và trạm đổ bộ của nhiệm vụ Chandrayaan-3 dự kiến chỉ hoạt động qua một ngày Mặt Trăng, tương đương với 14 ngày Trái Đất, ABC News đưa tin.
"Robot đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, nó đã dừng bánh an toàn và chìm vào chế độ ngủ khi ánh sáng ban ngày ở cực nam vụt tắt", ISRO chia sẻ trong thông báo cuối ngày 2/9. "Giờ đây, bộ pin của nó đã đầy. Pim quang năng được chỉnh hướng để nhận ánh sáng vào lần Mặt Trời mọc tiếp theo, dự kiến vào ngày 22/9/2023. Bộ thu nhận tín hiệu tiếp tục hoạt động. Hy vọng robot có thể tỉnh giấc thành công cho các nhiệm vụ mới".
ISRO chưa tiết lộ kết quả tìm kiếm dấu hiệu nước đóng băng trên bề mặt Mặt Trăng, có thể giúp ích cho nhiệm vụ chở phi hành gia trong tương lai. Đó là nguồn nước uống và nhiên liệu tên lửa tiềm năng. Đầu tuần này, ISRO cho biết robot Pragyan xác nhận sự tồn tại của lưu huỳnh và phát hiện vài nguyên tố khác. Thiết bị quang phổ kế laser của robot cũng tìm thấy nhôm, sắt, canxi, chrom, titan mangan, oxy và silicon trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Theo Indian Express, thiết bị điện tử trên robot không được thiết kế để chịu nhiệt độ rất thấp, chưa đến - 120 độ C vào ban đêm trên Mặt Trăng. Đêm Mặt Trăng cũng kéo dài tương đương 14 ngày Trái Đất. Theo Pallava Bagla, tác giả nhiều cuốn sách về khám phá vũ trụ của Ấn Độ, robot tự hành cũng có công suất pin hạn chế. Dữ liệu đã được truyền về Trái Đất sẽ được các nhà khoa học Ấn Độ phân tích trước khi chia sẻ với cộng đồng quốc tế.
Khi Mặt Trời mọc trên Mặt Trăng, robot có thể thức dậy hoặc không nếu thiết bị điện tử chết trong nhiệt độ lạnh. "Công nghệ sản xuất mạch và bộ phận điện tử có thể chịu nhiệt độ lạnh sâu của Mặt Trăng chưa có ở Ấn Độ", Bagla nói.
Sau nỗ lực hạ cánh thất bại trên Mặt Trăng năm 2019, hôm 23/8, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 đạt cột mốc này sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Nhiệm vụ bắt đầu cách đây hơn một tháng với chi phí ước tính 75 triệu USD. Hoạt động từ thập niên 1960, ISRO đã phóng vệ tinh riêng cho Ấn Độ và nhiều nước khác, đồng thời đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo sao Hỏa năm 2014. Ấn Độ đang lên kế hoạch cho nhiệm vụ đầu tiên tới Trạm Vũ trụ Quốc tế năm sau, hợp tác cùng Mỹ.
Ý kiến ()