Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:38 (GMT +7)
Rét đột ngột: Bệnh nguy hiểm hay xảy ra vào đêm và sáng sớm
Thứ 7, 16/12/2023 | 13:46:20 [GMT +7] A A
Trời rét đột ngột làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó hai căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cần chú ý là tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch
Miền Bắc đang bước vào đợt rét mới, dự báo nhiệt độ thấp nhất dưới 3 độ C, vùng núi có thể xuất hiện băng giá. Hôm nay (16/12), nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội và Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến 20-23 độ C, giảm 7-10 độ C so với một ngày trước. Đồng thời, mưa nhỏ xuất hiện khiến cảm giác lạnh gia tăng.
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó hai căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cần chú ý là tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam, khi thời tiết trở lạnh, sự mất cân bằng giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, đặc biệt là khi từ môi trường ấm bước ra ngoài trời lạnh, có thể tạo ra một tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cơ thể không thể thích nghi kịp.
Tình trạng này gây ra cơ chế co thắt của mạch máu khi gặp nhiệt độ lạnh, cũng như dễ hình thành cục máu đông gây nhồi máu não. Bên cạnh đó, tình trạng này làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu. Tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ trong não, dẫn đến xuất huyết não.
"Ngoài tắc mạch não, thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn tới tắc mạch vành (mạch máu nuôi tim) gây nhồi máu cơ tim.
Những điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe như: tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim) có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các di chứng như yếu liệt, di chứng thần kinh...", BS Mạnh phân tích.
Số liệu thống kê, ở Việt Nam bệnh nhân tai biến mạch máu não tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Trong đó, khoảng 60-70% các trường hợp xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, khi nhiệt độ ngoài trời lúc này xuống thấp hơn ban ngày.
Tỷ lệ bệnh nhân tai biến có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Ngoài ra, theo BS Mạnh, một bệnh lý hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm vào mùa đông là huyết khối tĩnh mạch sâu hình thành do chúng ta ít uống nước khi trời rét.
BS Mạnh phân tích: "Việc này khiến máu cô đặc lại cộng thêm ít vận động trên nền bệnh nhân có suy van tĩnh mạch trước đó, làm máu lưu thông kém dễ hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chi dưới. Khi các cục máu đông này lan về tim có thể gây tử vong do nhồi máu động mạch phổi.
Trường hợp vỡ hoặc lóc tách các mạch máu lớn trên nền bệnh nhân có phình, xơ vữa động mạch chủ cũng hay gặp vào mùa đông.
Nguyên nhân là do huyết áp bị thay đổi đột ngột tác động lên các động mạch chủ ngực hoặc bụng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực dữ dội, tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được can thiệp kịp thời".
Những đối tượng nguy cơ cao cần đặc biệt chú ý
Theo BS Mạnh, ai cũng có nguy cơ tai biến và gặp phải các bệnh lý về tim mạch.
Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: người cao tuổi, có bệnh lý nền về tăng huyết áp, tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên sử dụng thuốc lá rượu bia…
Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não thông thường dựa theo nguyên tắc F.A.S.T:
- F (Face - Khuôn mặt): Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ và méo một bên mặt, mí mắt sụp xuống.
- A (Arms - Cánh tay): Một bên tay hoặc một bên cơ thể yếu và tê liệt, không thể cùng lúc nâng hai tay lên cao khỏi đầu, nâng thẳng tay.
- S (Speech - Lời nói): Biểu hiện nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh.
- T (Time - Thời gian): Khi thấy một người có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với mô tả, cần hành động ngay lập tức để giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời.
"Đối với các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu động mạch phổi, lóc tách động mạch chủ, cần đặc biệt chú ý đến các biểu hiệu như đau ngực. Đau có thể lan ra sau lưng hoặc lên vai bên trái", BS Mạnh chỉ rõ.
Nguyên tắc phòng bệnh tim mạch khi trời rét đột ngột
BS Mạnh khuyến cáo, vào mùa lạnh, việc duy trì sự ấm áp, ổn định nhiệt độ cơ thể và thực hiện các biện pháp phòng tránh là rất quan trọng, để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý.
Đặc biệt với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, tiểu đường. Hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi đêm và sáng sớm. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bổ sung đầy đủ nước và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Người dân cũng cần duy trì chế độ ăn uống tập luyện khoa học, tránh căng thẳng. Nên vận động nhẹ nhàng 3-5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng.
Không tắm quá muộn cũng như không tắm nước lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở các mạch máu trên da, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn, trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng.
"Trong trường hợp có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và cấp cứu kịp thời vì nguy cơ tử vong của các bệnh trên là rất cao", BS Mạnh khuyến cáo.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()