Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:48 (GMT +7)
Rau củ, quả sẽ liên tục ra Bắc
Thứ 5, 12/09/2024 | 09:14:49 [GMT +7] A A
Hàng trăm tấn hàng hóa gồm rau xanh, lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… đã được các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Đổ xô mua rau, thịt
Ngày 11/9, lo ngại nhiều vùng mưa và ngập nước, người dân Hà Nội vẫn tăng cường mua thực phẩm tích trữ. Rau xanh tại chợ dân sinh tăng giá mạnh. Sức mua cao cũng khiến một số siêu thị hết hàng cục bộ, các hệ thống bán lẻ đang khẩn trương, tăng chuyển rau từ miền Nam ra Bắc.
Khảo sát của PV Tiền Phong ngày 11/9 tại chợ dân sinh ở Hà Nội, rau xanh tiếp tục tăng giá so với trước đó. Tại chợ Xốm, chợ Cổng, chợ Văn Nội (Hà Đông), giá các loại rau xanh như cải ngọt, mùng tơi, rau dền 15.000- 17.000 đồng/ mớ; rau muống 15.000- 20.000 đồng/bó. Giá bí đỏ khoảng 25.000 đồng/kg; bí xanh 30.000-35.000 đồng/kg; hành tây 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tại chợ Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), đầu giờ sáng 11/9, rau quả, thực phẩm dồi dào nhưng giá các loại rau xanh tăng mạnh như rau ngót, rau muống 20.000 - 25.000 đồng/bó.
Giá các loại thịt, cá vẫn giữ ổn định. Anh Nguyễn Tuấn Vũ, chủ lò mổ thịt lợn tại Văn Giang (Hưng Yên) - chuyên cung cấp thịt cho nhiều dân sinh tại Hà Nội cho biết, lượng mua hàng của các tiểu thương tăng mạnh so với ngày thường. Chỉ trong buổi sáng 11/9, lò mổ của anh Vũ tiêu thụ hết hơn 3 tấn thịt lợn.
“Hết lượng thịt bán ra, tôi tiếp tục mổ thêm để đảm bảo lượng cung cấp cho người dân. Giá thịt lợn nhích nhẹ nhưng chúng tôi giữ giá bán ổn định, cam kết cung ứng đủ hàng cho người dân”, anh Vũ cho biết.
Tại siêu thị ở Hà Nội, nhu cầu tăng cao đột ngột, quầy thực phẩm liên tục được bổ sung hàng nhưng vẫn nhanh chóng bị “vét sạch”. ...Ngày 11/9, các điểm bán của hệ thống Winmart, BigC, Tops Market nhiều thời điểm tạm hết rau, thịt. Chỉ qua giờ nghỉ trưa, siêu thị nằm ở khu chung cư lớn trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng) đã tạm hết rau, thịt.
Với số lượng cư dân đông sống ở hơn 20 toà nhà tại đây, nhu cầu tăng cao đột biến khiến thực phẩm nhanh chóng hết hàng. Siêu thị khác trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) cũng gần hết các loại rau ăn lá, chỉ còn xà lách, củ, quả. Rau liên tục được bổ sung, tuy nhiên, nhu cầu mua của khách quá cao, khiến hàng được chuyển đến bao nhiêu cũng hết. Nhân viên tại đây cho biết, đợt rau kế tiếp có thể lên kệ trong khoảng 2 giờ tới.
Sẽ vận chuyển liên tục ra Bắc
Liên tục những ngày qua, nhân viên hệ thống siêu thị MM Mega Market gần như làm việc hết công suất để vận chuyển rau củ, thực phẩm từ miền Nam ra phía Bắc. Hiện mỗi ngày, hệ thống này đã tăng thêm 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội (tương đương 16 tấn rau củ quả).
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, siêu thị đã xây dựng chuỗi cung ứng khép kín với 5 trạm thu mua - cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 kho giao hàng B2B (depot). “Nhờ đó, trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến một tháng cho miền Bắc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các depot, có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận. Việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc, và từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của MM (Mega Market) vẫn được đảm bảo và tăng cường với số lượng gấp 3 lần”, bà Nga nói.
Không tích trữ thực phẩm quá mức cần
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Sở Công Thương 35 tỉnh, thành phố đang tập trung điều phối hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ phía Bắc. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân bình tĩnh, dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức.
Theo bà Nga, một số nhà cung cấp hiện nay cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hàng hóa hư hỏng do mưa lũ. MM (Mega Market) thu mua tối đa theo khả năng cung ứng của nhà cung cấp. Đồng thời, ưu tiên cho nhà cung cấp có khả năng tập trung hàng hóa tại kho trữ hàng trung tâm của MM (Mega Market) tại tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, việc cung ứng không thể tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện đường giao thông đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ ở khu vực Trung Bắc bộ.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đã tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Các loại rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
“Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, bưởi, chuối, xoài… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Co.opmart hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát, đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của hai bên”, đại diện Saigon Co.op thông tin.
Tại từng điểm bán, Co.opmart còn tăng thời gian phục vụ, giao các đơn mua hàng trực tuyến trong ngày; giảm giá từ 10 - 35% nhiều mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ người tiêu dùng.
Theo Central Retail Việt Nam, các hệ thống GO!, Big C của đơn vị này đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ so với ngày thường. Hai ngày qua, 4 chuyến hàng với khoảng 150 tấn rau củ quả được chuyển từ miền Nam tới các siêu thị ở phía Bắc.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()