Thụy Sĩ không cho phép Đức cung cấp đạn pháo cho Ukraine do quy định trung lập cấm chuyển giao vũ khí nước này sản xuất cho các bên tham chiến.
Đức gần đây gửi tới Thụy Sĩ hai đề xuất về chuyển giao đạn pháo 35 mm dùng trên pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard và đạn súng đại liên 12,7 mm choUkrainenhằm hỗ trợ nước này trong giao tranh với Nga. Đây là số đạn do Thụy Sĩ sản xuất và cung cấp cho quân đội Đức.
Tuy nhiên, Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề Kinh tếThụy Sĩ(SECO) ngày 27/4 thông báo hai đề xuất của Đức đềubị từ chối"vì trạng thái trung lập và các quy định bắt buộc trong luật quản lý khí tài quân sự của Thụy Sĩ". Quyết định này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Trong bất cứ hợp đồng bán vũ khí và vật tư quân sự nào, Thụy Sĩ đều yêu cầu đối tác không chuyển giao chúng cho nước thứ ba nếu không có sự đồng ý trước của Bern. Đây là thông lệ được quốc tế công nhận rộng rãi.
Trong trường hợp bên thứ ba là quốc gia đang liên quan tới xung đột vũ trang trong nước hoặc quốc tế, Thụy Sĩ sẽ từ chối cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí, đạn dược.
"Ukraine đang liên quan đến xung đột với Nga, do đó hoạt động chuyển vật tư quân sự từ Thụy Sĩ sang Ukraine không đủ điều kiện để được cấp giấy phép xuất khẩu", phát ngôn viên SECO Michael Wuthrich giải thích.
Trạng thái trung lập là một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Thụy Sĩ. Điều này đồng nghĩa Bern không thể tham gia vào xung đột của hai quốc gia khác, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp hay gián tiếp cho bất cứ bên tham chiến nào.
Luật xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ dựa trên Đạo luật Vật tư Chiến tranh, trong đó quy định "kiểm soát sản xuất và chuyển giao vật tư quân sự cùng công nghệ liên quan, đồng thời duy trì năng lực ngành công nghiệp quốc phòng phù hợp yêu cầu của đất nước".
Giới chuyên gia nhận định nếu Thụy Sĩ chấp nhận hai đề xuất chuyển giao đạn của Đức cho Ukraine, nghĩa vụ quốc tế và các nguyên tắc về chính sách đối ngoại của nước này sẽ bị tổn hại.
"Do đây là đạn do Thụy Sĩ sản xuất, xét trên góc độ pháp lý, quyết định từ chối cho phép chuyển chúng sang Ukraine là hợp lý", Jean-Marc Rickli, người đứng đầu bộ phận Rủi ro Toàn cầu Mới nổi thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva đánh giá. "Với trạng thái trung lập của Thụy Sĩ, đồng ý xuất khẩu số đạn đó sẽ là hành động vi phạm luật trong nước lẫn quốc tế".
Laurent Goetschel, giáo sư chính trị học tại Đại học Basel, cho biết tính trung lập của Thụy Sĩ càng trở nên quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay.
"Từ góc độ lịch sử và an ninh của Thụy Sĩ, nguy cơ xung đột càng cao thì tính trung lập càng phù hợp. Ngoại lệ duy nhất mà Thụy Sĩ có thể chấp nhận là khi một trong các bên tham chiến đang hành động thay mặt cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Khi đó, nước này không được coi là bên tham chiến, mà đóng vai trò như cảnh sát quốc tế", ông Goetschel nhận định.
Thụy Sĩ dường như đi ngược lại quy tắc trung lập vĩnh viễn trong một số hợp đồng xuất khẩu vũ khí họ từng ký kết, đặc biệt với Arab Saudi, quốc gia liên quan đến xung đột tại Yemen. Thụy Sĩ năm 2015 ngừng xuất khẩu vũ khí cho Arab Saudi, song chính phủ nước này năm 2019 chuyển sang cách tiếp cận ít ràng buộc hơn để tiếp tục hợp đồng.
Chuyên gia Rickli nói trường hợp của Arab Saudi và Yemen có một khác biệt quan trọng với tình hình ở Ukraine. "Trạng thái trung lập chỉ áp dụng trong trường hợp xảy ra chiến sự giữa các quốc gia. Còn trong xung đột tại Yemen, chính phủ nước này đã đề nghị Arab Saudi tới hỗ trợ chống lại lực lượng Houthi để tình hình không trở nên nghiêm trọng, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật trung lập", Rickli giải thích.
Nhiều nước châu Âu đưa ra những thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đức thông báo tăng cường chi tiêu quốc phòng, đồng thời đồng ý cung cấp pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine.
Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia đã duy trì trạng thái trung lập trong nhiều thập kỷ, được cho là sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng sau. Tại Thụy Sĩ, nhiều chính trị gia đang kêu gọi tăng cường hợp tác với NATO, nhưng rất ít dấu hiệu cho thấy nước này có ý định tham gia bất cứ liên minh nào.
"Tình hình địa chiến lược rất khác nhau. Xung quanh Thụy Sĩ và Áo là các thành viên NATO. Trạng thái trung lập của Thụy Sĩ không chỉ liên quan đến chính sách an ninh, mà còn mang tính bản sắc", Rickli nhận định.
Ý kiến ()