Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:22 (GMT +7)
Rắc rối quanh bản quyền âm nhạc Phú Quang
Thứ 4, 08/06/2022 | 07:37:04 [GMT +7] A A
Vừa qua đại diện gia đình nhạc sĩ Phú Quang tỏ ý không hài lòng trên báo vì sau khi nhạc sĩ Phú Quang nằm xuống, tác phẩm của ông bị vi phạm bản quyền trên sân khấu lớn cũng như phòng trà. Một vấn đề nhiều người cũng chưa rõ khi nhạc sĩ không còn nữa, ai sẽ thay thế quản lý các tác phẩm của ông.
Nhạc Phú Quang nằm trong số ít các nhạc sĩ trong nước có nhiều bản tình ca phù hợp với nhiều không gian biểu diễn, trong đó có sân khấu phòng trà. Tuy nhiên còn một hình thức sử dụng bài hát phổ biến hiện nay: livestream miễn phí có thể cho cả nghìn người xem trực tuyến. Và lượng khán giả sẽ tiếp tục tăng khi các video livestream được lưu lại. Tạm thời hình thức này vẫn mang tính phi lợi nhuận trên nền tảng Facebook. Khi nhạc sĩ Phú Quang vừa mất, một số ca sĩ và phòng trà đã dùng hình thức này để trình diễn nhạc ông như một sự tưởng nhớ mà không nghĩ rằng cần phải xin phép.
NHẠC PHÚ QUANG BỊ XÂM PHẠM BẢN QUYỀN?
Được biết vào ngày kỷ niệm sinh nhật nhạc sĩ 13/10, gia đình muốn làm một đêm nhạc tưởng niệm chính thức. Trước thời điểm đó, nhiều công ty muốn tổ chức đêm nhạc Phú Quang nhưng gia đình không đồng ý do muốn đêm nhạc đầu tiên sau khi ông mất phải là đêm nhạc do gia đình tổ chức. Nhưng hai đêm nhạc Hà Nội phố 1 và 2 diễn ra vào tháng 4 và 5 vẫn sử dụng bài hát của Phú Quang.
Liên lạc với phóng viên Tiền Phong, người tổ chứ hai đêm nhạc kể trên - bà Nguyễn Thị Hoài Oanh cho biết ban đầu định làm đêm nhạc Đoàn Chuẩn - Phú Quang và đã được sự đồng ý của bà Trịnh Anh Thư là vợ của nhạc sĩ Phú Quang. Nhưng đêm nhạc bị hoãn vì dịch bệnh, mặc dù vé đã bán gần hết. Khi hết dịch, bà Oanh tổ chức lại vào đêm 21/4/2022 để trả nợ khán giả.
Trước khi đêm nhạc diễn ra, bà Oanh cho hay Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) không đồng ý vì đêm nhạc có liên quan đến Phú Quang. Nhưng sau đó gia đình đã chấp nhận sau khi có một số thay đổi. Từ đêm nhạc hai tác giả, Hà Nội phố trở thành nhiều tác giả và tên nhạc sĩ Phú Quang không xuất hiện trên poster nữa.
Trong chương trình Hà Nội phố 2 vào 24/5, nhà tổ chức nói quyết không dùng nhạc phẩm nào của Phú Quang, nhưng bà Oanh cho biết, trong chương trình, ca sĩ lại hát thêm 3 ca khúc của Phú Quang theo yêu cầu khán giả. Sau chương trình bà Oanh đã gửi gia đình nhạc sĩ tác quyền của các bài hát này, nhưng bị gia đình nhạc sĩ chuyển khoản trả lại. Và đến giờ số tiền 12 triệu đồng vẫn nằm ở chỗ bà Oanh. Ngoài ra bà cho hay cũng đã thanh toán đầy đủ tác quyền lời hát 30% thông qua VCPMC.
Bà Oanh cho hay việc trả tác quyền là đương nhiên, chỉ băn khoăn về việc phải xin phép trước khi sử dụng nhạc Phú Quang trong các sự kiện sẽ hạn chế nhu cầu được hát và được nghe nhạc Phú Quang. “Nhạc sĩ nào cũng muốn bài của mình được phổ cập, chỉ có điều thời điểm này chưa hợp lý thì ý nguyện của gia đình là đúng. Tôi làm chương trình trả nợ khán giả phải dung hòa giữa các bên”, bà chia sẻ.
“Hợp đồng với VCPMC thể hiện ý chí của nhạc sĩ Quang. Nên khi ông mất, hợp đồng sẽ chấm dứt. Tài sản của ông sẽ mở thừa kế. Quyền biểu diễn thuộc quyền tài sản sẽ được chuyển cho người hưởng thừa kế. Nếu người thừa kế tiếp tục ủy quyền thì VCPMC mới được thu hộ. Nếu không có di chúc thì mọi người hàng thừa kế thứ nhất (gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi) cùng quyết định. Còn có di chúc thì phải theo di chúc của nhạc sĩ”- luật sư Trần Anh Dũng.
PHÚ QUANG TẶNG BÀI HÁT HAY BẢN GHI?
Cũng nhân dịp này, bà Oanh công bố một văn bản có chữ ký của nhạc sĩ Phú Quang trong đó viết: “Tôi đồng ý tặng 6 bài hát cho bà Nguyễn Thị Hoài Oanh…” và “Bà Oanh sẽ được sử dụng 6 bài hát mà tôi đã sáng tác và thu thanh hoàn chỉnh với tựa đề…” Kế đó là danh sách 6 bài hát Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Romance số 1, Dương cầm lạnh, Mẹ, Khúc mùa thu kèm tên tác giả thơ và ca sĩ thể hiện cho từng bài. Dòng cuối ghi rõ: “Các bài trên tôi đã gửi bản quyền và thù lao cho các ca sĩ và nhạc công đầy đủ”. Bà Oanh cho hay nhạc sĩ tặng các bài hát này để bà làm đĩa.
Bà Oanh cho rằng với văn bản này bà không chỉ được quyền phát hành đĩa, mà khi bà đem những bài hát đó với đúng bản phối đó và những ca sĩ đó lên sân khấu trình diễn thì bà cũng không phải đóng tác quyền nữa.
Theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) với văn bản này, bà Oanh trở thành chủ sở hữu bản ghi âm, có thể mang các bản thu in thành đĩa để phát hành. Tuy nhiên vẫn phải xem lại giá trị pháp lý của hợp đồng này vì không rõ là ủy quyền hay chuyển quyền sử dụng, đối tượng chuyển quyền sử dụng cũng không rõ là bài hát hay bản ghi âm. Và nếu bà Oanh đem những bài hát này dù với ca sĩ đó, bản phối đó lên sân khấu biểu diễn thì sẽ vẫn phải đóng tác quyền.
TÔN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH CỦA GIA ĐÌNH
Đức Tuấn là ca sĩ cuối cùng ra album nhạc Phú Quang khi nhạc sĩ còn sống vào tháng 12/2018. Anh khẳng định việc thắt chặt bản quyền của gia đình nhạc sĩ đương nhiên gây khó cho ai muốn sử dụng giai đoạn này nhưng anh hoàn toàn tôn trọng: “Mỗi người có cách quản lý tài sản (tạm gọi tác phẩm âm nhạc là tài sản đi) của mình khác nhau. Một khi mình muốn sử dụng thì phải tôn trọng quy định của chủ sở hữu thôi”.
Đức Tuấn liên tưởng tới việc anh và một số ca sĩ khác cũng đã không đồng ý đưa các bài hát của mình lên những trang nhạc miễn phí. “Như thế chính tôi hoặc những ca sĩ đó đã hạn chế sự tiếp cận của mình với số đông khán giả. Tuy nhiên việc hướng tới đối tượng người nghe nào là quan điểm riêng của mỗi người. Khán giả sẽ hiểu và tôn trọng mình”.
Việc phải xin phép trước khi mỗi lần muốn trình bày nhạc phẩm của Phú Quang sẽ gây khó trong những trường hợp phát sinh, ngoài chương trình như đã xảy ra trong chương trình Hà Nội phố 2. “Nhưng bù lại bài đó sẽ được xuất hiện một cách chỉn chu trong những chương trình đã được chuẩn bị trước”, Đức Tuấn nói. “Thực ra chị Trinh Hương nhân dịp này công bố quyền sở hữu chính thức mà thôi. Chị Hương cũng là nghệ sĩ biểu diễn nên mọi thứ sẽ không khó khăn như mọi người nghĩ. Chắc chắn mọi thứ sẽ có điều chỉnh cho phù hợp hơn sau này”.
Hiện gia đình nhạc sĩ vẫn chưa tiếp tục hợp đồng ủy quyền của nhạc sĩ Phú Quang lúc sinh thời với VCPMC. Đức Tuấn cho rằng nếu ký với trung tâm tác quyền thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Vì khi đó, mỗi phòng trà sẽ có phương án trả trọn gói để có thể sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ bất cứ lúc nào.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()