Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:41 (GMT +7)
Rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của các dự án luật, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý
Thứ 3, 20/08/2024 | 15:14:57 [GMT +7] A A
Ngày 20/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Trong phiên buổi sáng, cuộc họp đã thảo luận, cho ý kiến về dự án sửa đổi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó có nhiều vấn đề xã hội, dư luận quan tâm như đối tượng chịu thuế hay cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt trong trong triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế, một trong 3 đột phá chiến lược; liên tục họp, chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận về các nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Tài chính trong việc tổng kết, đánh giá thực tiễn, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, lấy ý kiến các cơ quan, cá nhân, tổ chức liên quan, các đối tượng tác động, tổng hợp ý kiến, xây dựng các dự án luật. Cùng với cho ý kiến về các nội dung cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn trong quá trình xây dựng các dự án luật.
Về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Cùng với đó, thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; giao quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho người đại diện phần vốn nhà nước. Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật)…
Về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp...
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng nêu rõ, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp... Tuy nhiên, phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân… Đồng thời, có chính sách thuế ưu đãi với các mặt hàng cần khuyến khích, như trong kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Thủ tướng lưu ý điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.
Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm: mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế. Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Cùng với việc bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; những nội dung đã ổn định như về chính sách ưu đãi đầu tư thì tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn không cần thiết.
Thủ tướng đề nghị rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của các dự án luật nói trên, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện so với các quy định tại luật hiện hành; rà soát thêm các quy định tại các luật khác có liên quan bảo đảm rõ ràng, không dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn hoặc có cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật.Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khi xây dựng luật cần có công cụ để có thể xử lý linh hoạt, kịp thời các vấn đề phát sinh, mới nổi, phù hợp tình hình thực tế chuyển biến nhanh.
Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
* Trong phiên họp buổi chiều, Thường trực Chính phủ thảo luận về 3 nội dung: Dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng yêu cầu bám sát, thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nội dung liên quan phát triển công nghiệp công nghệ số; tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan công nghiệp công nghệ số, kế thừa những quy định hiện hành đã được thực tế chứng minh, áp dụng hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc pháp lý; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật liên quan.
Đặc biệt, cần quy định rõ về thẩm quyền xem xét, chấp thuận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền; đề cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thử nghiệm và của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số; có công cụ để có thể xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, mới nổi.
Với dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; có lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi trong thực tế và bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, giảm trực tiếp làm các công việc cụ thể; kế thừa những quy định còn phù hợp, tác động tích cực trong pháp luật về viên chức hiện hành, tiếp tục làm tốt hơn, không gây xáo trộn; đánh giá kỹ lưỡng tác động của các chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau và có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ.
Thủ tướng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới; thu hút người tài vào ngành giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có xây dựng đội ngũ sĩ quan; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính hợp lý, khả thi, hiệu quả của quy định.
Thủ tướng yêu cầu tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện dự thảo luật.
Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các luật; yêu cầu các cơ quan chủ trì tổng hợp đầy đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan, tiếp thu các ý kiến góp ý xác đáng, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định để trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()