Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:16 (GMT +7)
Ra mắt sách ‘Sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu’
Thứ 5, 14/07/2022 | 22:29:08 [GMT +7] A A
Trong những ngày tỉnh Bến Tre và cả nước hướng tới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) đã giới thiệu một trong những công trình nghiên cứu đồ sộ về cụ Đồ Chiểu.
Cuốn sách mang tên “Sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu” (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc), do Ban tuyển chọn bao gồm GS.TS. Nguyễn Chí Bền và các thành viên Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) như nhà thơ Kim Ba, nhà thơ Hồ Trường, nhà báo Cao Văn Dũng, TS. Phạm Văn Luân tập hợp tư liệu, tuyển chọn.
Cuốn sách chứa đựng một kho tàng đồ sộ từ ca dao, dân ca đến truyện kể dân gian, các bài thơ viết theo lối cổ, các bài thơ mới từ trường ca đến truyện thơ, truyện lịch sử và các vở tuồng, cải lương, kịch nói, tranh, tượng… về cụ Đồ Chiểu, về các nhân vật trong sáng tác của ông trong hơn trăm năm qua. Cuốn sách còn có một tổng luận “Nguyễn Đình Chiểu, cội nguồn của sáng tạo văn hóa nghệ thuật” do GS.TS. Nguyễn Chí Bền - người giành Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu do UBND tỉnh Bến Tre trao tặng năm 2017, chấp bút.
Giới thiệu về cuốn sách, GS.TS. Nguyễn Chí Bền viết: “Cách đây 40 năm, Ty Văn hóa và Thông tin Bến Tre đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời” (năm 1982). Hơn 40 năm qua nhiều sáng tạo văn hóa nghệ thuật về Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục được ra đời trên các sách và tạp chí. Đây là lý do thôi thúc Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) lại tập hợp được rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thành tuyển tập như một trong những hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
GS.TS. Nguyễn Chí Bền đánh giá: “Sự kính trọng, ngưỡng mộ cụ Đồ Chiểu là cội nguồn cảm xúc cho các sáng tạo văn học nghệ thuật về cụ của các văn nghệ sĩ. Không phải danh nhân nào cũng là cội nguồn cho sáng tạo văn học nghệ thuật như Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu”.
Trong lời tựa của cuốn sách, nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre) bày tỏ: “Cảm hứng sáng tạo của các tác giả có thể khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện tình cảm sâu sắc sự kính trọng biết ơn cụ đồ và các nhân vật trong tác phẩm của cụ”.
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại quê mẹ là làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là phường Cầu Kho, quận 1 (TP Hồ Chí Minh).
Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước và nhân dân trong giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa của người dân yêu nước, với quan niệm sáng tác: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, Nguyễn Đình Chiểu là ngọn cờ đầu của dòng văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại.
Từ khi ra đời, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần làm nên diện mạo riêng của thơ ca miền Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Bên cạnh những bài văn tế đậm chất bi tráng như “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, những bài thơ Đường luật sâu lắng, truyện thơ của ông, tiêu biểu là “Lục Vân Tiên”, “Dương Từ - Hà Mậu” đã đi vào tâm thức của người dân Nam Bộ.
Hơn 20 năm cuối đời, ông lui về ẩn dật, dạy học, làm thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác văn thơ, truyền dạy nghề y tại làng An Đức thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông mất vào năm 1888 và được nhân dân làm lễ trang trọng, an táng tại đây. Tài năng, tiết tháo của Nguyễn Đình Chiểu đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở.
Vào tháng 11/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa và tham gia kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()