Sách của tác giả Hoàng Hải Vân - Tấn Tú ra mắt đầu tháng 4, là một trong số ấn phẩm mới của First News, được giới thiệu tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở đường sách TP HCM (19-23/4).
Tác phẩm mô tả quãng thời gian hơn hai mươi năm nhà tình báo Đặng Trần Đức trong địch hậu, những điểm nhấn suốt quá trình hoạt động của ông. Dù lập nhiều chiến công, cuộc đời ông ít được biết đến. Ở lời giới thiệu sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - học trò của tướng Đặng Trần Đức - cho biết:
"Đoạn đời sau năm 1975 của ông Ba trải dài theo cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, mười năm giúp nước bạn Campuchia xây dựng hòa bình, và sau đó là những năm đầu giai đoạn Đổi mới của đất nước. Dù bị 'màn sương' lịch sử che lấp, nhưng nó ẩn chứa những điệp vụ, chiến công to lớn, không kém giai đoạn ông hoạt động địch hậu trong kháng chiến chống Mỹ.
Chính tôi từng đặt câu hỏi tương tự với ông Ba. Mỗi lần như vậy, ông chỉ cười: 'Tôi sẽ không nói về cuộc đời hoạt động của mình!'. Ngay lúc ấy, tôi hiểu cần phải có độ lùi nhất định về thời gian, cũng như những nhân chứng phù hợp để 'giải mật' về cuộc đời của ông Ba những năm sau này".
Qua cuốn sách, ông Đặng Trần Đức được khắc họa là người đơn độc nhưng mưu trí, lọt vào cơ quan tình báo của đối phương để hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Ông từng lọt vào hai cơ quan tình báo đầu não ở miền Nam là Sở Nghiên cứu Chính trị Xã hội (dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm), và Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (dưới thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).
Ông Ba Quốc còn lập nhiều chiến công, như khi phía Mỹ yêu cầu Sở nghiên cứu Chính trị - Xã hội ám sát ông hoàng Campuchia Norodom Sihanouk (do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Campuchia lúc đó), ông được giao thực hiện nhiệm vụ này, nhưng lại giải cứu ông hoàng Sihanouk mà không để lộ thân phận.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Ba Quốc lại tiếp tục ngược xuôi từ Nam ra Bắc, sang chiến trường Campuchia, nhận nhiều trọng trách của ngành tình báo. Không chỉ vậy, ông còn đào tạo, rèn luyện nhiều nhà hoạt động tình báo.
Trong lời dẫn cuốn sách, tác giả Hoàng Hải Vân - Tấn Tú viết: "Di sản ông để lại là vô giá trong kho tàng khoa học quân sự - chính trị Việt Nam. Nó cần và sẽ được trao truyền qua các thế hệ. Ông để lại nhiều bài học, nhưng quan trọng nhất là "học ở ông cách không phạm sai lầm giữa chiến trường thầm lặng, vì chiến trường không phải là 'trường học' của các nhà tình báo, phạm sai lầm là không thể sửa chữa".
Tác giả Hoàng Hải Vân và Tấn Tú là nhà báo lâu năm. Cả hai từng viết chung cuốn sách về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, do Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2003.
Ý kiến ()