Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:25 (GMT +7)
Ra mắt nhiều sách mới trong “Tháng Ba sách Trẻ”
Thứ 6, 22/03/2024 | 07:39:22 [GMT +7] A A
“Tháng Ba sách Trẻ” là chương trình định kỳ mà Nhà xuất bản Trẻ đã thực hiện trong hơn 10 năm qua. Hàng loạt sách mới ra mắt nhân tháng sinh nhật nhà xuất bản, Tháng Thanh niên, và cũng trùng với thời gian mọi người đang “tăng tốc” sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch.
Trong tháng ba, sách Trẻ phủ rộng tại các hệ thống nhà sách lớn toàn quốc, online và offline với ưu đãi cho bạn đọc. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sự kiện văn hóa-khuyến đọc, để tạo sự kết nối giữa tác giả, dịch giả và bạn đọc, giữa sách và cuộc sống.
Theo đó, Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu hơn 60 tựa sách mới và hàng trăm tựa sách tái bản nhân dịp tháng Ba sách Trẻ. Sách tâm lý, kỹ năng, khoa học, văn hóa là điểm nhấn của Tháng Ba sách Trẻ để đồng hành cùng bạn đọc trong công việc và cuộc sống.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức 6 sự kiện văn hóa-khuyến đọc gồm: Họp báo ra mắt sách “Thảo Cầm Viên - Kho báu trong lòng thành phố” và bộ sách “Thiên nhiên kỳ thú”; hội sách mừng sinh nhật Nhà xuất bản Trẻ; trò chuyện cùng chuyên gia Nguyễn Phi Vân với chủ đề “Thanh niên và cơ hội nhượng quyền khởi nghiệp”; dịch giả Hoàng Anh tặng chữ ký nhân dịp ra mắt tác phẩm Fourth Wing - Tựa sách đứng hạng Nhất hạng mục Romantasy (lãng mạn-huyễn ảo) theo bầu chọn trên trang Goodreads; được đề cử hạng mục Page turner (sách lôi cuốn) tại British Book Award 2023,....
Ngoài ra, vào ngày 31/3, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức buổi trò chuyện văn chương cùng 5 tác giả trẻ: Đinh Khoa, Võ Đăng Khoa, Phát Dương, Trọng Khang, Yang Phan. Cả 5 tác giả này đều vừa có tác phẩm xuất bản tại Nhà xuất bản Trẻ, với sự đột phá so với chính mình, thể hiện cảm thức của người trẻ với các vấn đề thời đại: sự cô đơn, trí tuệ nhân tạo, nhân tính trong thời đại công nghệ, dự đoán về tương lai.
Bên cạnh đó, trong Tháng ba sách Trẻ, những tựa sách nổi bật được ra mắt bạn đọc gồm: bộ Tâm lý học toàn thư (6 cuốn), Fourth Wing (Cánh Tư, tác giả Rebecca Yarros); Giá trị vạn vật - câu chuyện kiến tạo và chiếm dụng trong nền kinh tế toàn cầu (tác giả Mariana Mazzucato); Độ nhiễu - Sai lầm trong phán đoán (Daniel Kahneman, Olivier Sibony, Cass R. Sunstein); Sức mạnh vô hạn (Infinite Powers),….
Đối với sách trong nước, bộ tác phẩm của các tác giả trẻ “Biến thể của cô đơn” (Yang Phan), “Hai người trong một ngăn tủ” (Phát Dương), “Lạc đà bay” (Võ Đăng Khoa), “Dị bản” (Đinh Khoa), “Nơi không có tuyết” (Trọng Khang) đang tạo sự chú ý đối với độc giả với đa sắc về thể loại và chủ đề. Ngoài lối viết điêu luyện hơn, các tác giả trẻ cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến xu hướng chung của xã hội và những trăn trở chung của con người thời đại.
Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt bộ ba cuốn sách xưa bìa cứng: Chuyện đời xưa (Trương Vĩnh Ký), Chuyện giải buồn (Huỳnh Tịnh Của), Chuyện cười cố nhân (Vương Hồng Sển). Đây là những tác phẩm góp công phổ biến chữ quốc ngữ, đặc biệt là vào thời kỳ đầu (Chuyện đời xưa, Chuyện giải buồn). Qua những tác phẩm này, bạn đọc hiểu biết thêm về bối cảnh, con người một thời; đặc biệt là những từ ngữ cổ, phương ngữ miền nam, hiện đã không dễ gặp.
Bộ Du ký Việt Nam có bổ sung thêm bản gốc chữ Hán, đóng hộp sang trọng, bìa cứng trang nhã. Bộ sách tập hợp những bài du ký từng đăng trên Tạp chí Nam Phong (1917-1934), giới thiệu những cuộc hành trình đi qua các vùng đất ở Việt Nam và một vài nơi ở nước ngoài vào đầu thế kỷ 20, khi mà các phương tiện giao thông còn thô sơ, việc đi lại còn rất hạn chế và khó khăn.
Ngoài ra, bộ sách “Em yêu biển đảo-biên cương” gồm 6 cuốn sách tranh, hướng tới đối tượng học sinh cấp 1: Em là hải quân nhí, Chú bộ đội tí teo, Cây Bàng Vuông của bé, Heo đất đi Trường Sa, Cô giáo ở đảo Lý Sơn, Quê em ở Trường Sa cũng ra mắt độc giả vào tháng ba này.
Cùng với tủ sách Biển đảo của Nhà xuất bản Trẻ, bộ sách “Em yêu biển đảo-biên cương” giúp bồi đắp tình yêu quê hương và ý thức chủ quyền dân tộc cho các bạn nhỏ, thông qua những câu chuyện gần gũi, nhẹ nhàng dễ hiểu. Đây là bộ sách rất hợp để đưa vào trường học.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()