Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:38 (GMT +7)
Quyết tâm xử lý dứt điểm rác thải từ nuôi trồng thủy sản
Thứ 3, 25/04/2023 | 22:33:57 [GMT +7] A A
Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, trên vịnh Hạ Long xuất hiện lượng lớn phao xốp và vật liệu lồng bè nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) phát tán trên khu vực vùng lõi khu Di sản. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức bảo vệ môi trường biển của các hộ NTTS trên biển còn thấp. Khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng của tỉnh đang nỗ lực thu gom rác; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý lồng, bè, thay thế phao xốp của người dân để ngăn chặn tình trạng xả rác thải ra khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
“Nói không” với vật liệu ô nhiễm môi trường
Quảng Ninh hiện có trên 30.000ha NTTS ở 8/13 địa phương, trong đó các hộ nuôi chủ yếu sử dụng phao xốp để làm lồng bè. Tuy nhiên, đây là loại vật liệu có độ bền thấp, sau 2-3 năm sử dụng, những quả phao xốp tan rã, nổi trôi trên mặt nước gây ô nhiễm môi trường sinh thái biển. Gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, hàu treo dây, ông Nguyễn Sĩ Bính (Chủ tịch HĐQT HTX Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) hiểu rõ những tác hại của phao xốp. Ông Bính chia sẻ: Quá trình sử dụng tôi nhận thấy, phao xốp có giá thành rẻ, dễ lắp đặt, độ nổi tốt nhưng tính bền vững không cao. Các phao xốp dễ bị phá hỏng, trôi dạt trên biển dưới tác động của thời tiết.
Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hàng năm, các đơn vị thu gom khoảng 2.000 tấn rác từ vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ NTTS. “Những miếng phao xốp trôi ra biển sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời tai hại với các loại thủy sản. Phao xốp rất nguy hiểm cho môi trường vì một khi chúng tách ra thành các mảnh nhỏ, việc thu gom chúng rất khó khăn”, ông Jack Bruner, Giám đốc IUNC khu vực Indo-Burma cho biết.
Nhằm sớm giải quyết vấn đề rác thải, đặc biệt là phao xốp trong hoạt động NTTS, tháng 5/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS. Đây được coi là giải pháp đột phá và cách làm mới của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh.
Đặc biệt, để lập lại trật tự NTTS trên biển, ngày 10/8/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển tỉnh Quảng Ninh. Chỉ thị nêu rõ, chậm nhất hết năm 2022, các địa phương phải hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp nuôi trồng trái phép, vi phạm quy hoạch, gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hoạt động trên biển…
Như vậy, lộ trình tỉnh đưa ra để chuyển đổi phao xốp cho các hộ NTTS kéo dài lên tới gần 2 năm nhằm đảm bảo các hộ dân có thể từng bước thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE; đảm bảo kịp thu hoạch cho các lồng bè vừa xuống con giống.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, khẳng định: Việc chuyển từ phao xốp sang phao HDPE giúp không gian biển xanh, sạch, thoáng đãng, mỹ quan; luồng lạch giao thông thuỷ được đảm bảo an toàn hơn. Về lâu về dài, các địa phương có diện tích mặt biển “sạch” sẽ trở thành dư địa xúc tiến thu hút đầu tư phù hợp, nhất là những nhà đầu tư nuôi biển theo quy mô công nghiệp lớn.
Triển khai Chỉ thị 13-CT/TU, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tăng cường quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển. Thời gian qua, hầu hết các địa phương có biển đẩy mạnh việc chuyển đổi phao xốp sang phao nổi chuẩn HDPE. Giải pháp của các địa phương đưa ra là rà soát thực tế số hộ NTTS, số phao xốp đang có mặt trên biển, xác định trường hợp NTTS đúng quy hoạch, trường hợp NTTS sai quy hoạch để xây dựng phương án xử lý phù hợp; đẩy nhanh tiến độ giao, cho thuê mặt nước biển, bãi triều để đảm bảo công tác quản lý nhà nước theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển". Về phía Ngân hàng CSXH tỉnh cũng tạo điều kiện vay vốn cho các hộ theo chương trình cho vay giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng/hộ.
Các địa phương có biển cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhưng cho đến đầu tháng 3/2023, lượng phao xốp chuyển đổi trên toàn tỉnh vẫn còn khá thấp khi mới có khoảng 50% phao xốp được thay thế bằng phao nhựa HDPE. Lý do các hộ đưa ra là một số bè nuôi chưa đủ thời gian quy hoạch, chi phí lắp đặt vật liệu nhựa chuẩn HDPE cao gấp khoảng 1,5 lần so với phao xốp, nên thiếu kinh phí để chuyển đổi.
Quyết tâm giữ màu xanh cho biển
Trước tình trạng các hộ dân chưa thực hiện việc chuyển đổi theo chủ trương của tỉnh và để lập lại trật tự trong NTTS, từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên tích cực triển khai xử lý các lồng, bè NTTS trái phép tại khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số hộ dân đã thải trộm các loại rác thải chủ yếu là phao xốp và các vật liệu làm lồng bè ra môi trường Vịnh.
Anh Hoàng Xuân Hạ (hộ NTTS tại khu Bọ Cắn, phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả) cho biết: Do áp lực về mặt thời gian buộc phải tháo dỡ, di dời trong thời gian ngắn (xong trước ngày 31/3/2023) nên việc thuê nhân công thu hoạch thủy sản và tháo dỡ, di dời vật liệu NTTS của nhiều hộ nuôi gặp khó khăn. Cùng với đó, sản phẩm thu hoạch không tiêu thụ được, trong khi giá thấp nên không đủ chi phí thuê nhân công và phao, bè mảng đã xuống cấp không thể tận dụng được. Việc thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết mất thêm nhiều chi phí nên nhiều hộ nuôi chỉ tập trung cắt dây, thu hoạch sản phẩm, không thu gom phao xốp, dây buộc, bè mảng tre, để trôi tự nhiên trên biển.
Bên cạnh việc ý thức của các hộ NTTS về bảo vệ môi trường biển còn thấp, các lực lượng chức năng của địa phương mới chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo dỡ, di dời số lượng công trình nuôi trái phép. Trong khi công tác hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát đối với việc thu gom, xử lý vật liệu NTTS còn hạn chế, chưa sát sao.
Tại một số địa phương, lực lượng chức năng chỉ cưỡng chế đối với số ít hộ nuôi không chấp hành việc di dời, còn các hộ cam kết tự nguyện tháo dỡ, di dời thì không có sự giám sát việc thu gom, dẫn đến việc thải bỏ ra môi trường biển. Mặt khác, trong quá trình cưỡng chế di dời của lực lượng chức năng, phao xốp bị tách rời dây buộc, trong khi lực lượng chức năng và phương tiện thu gom hạn chế nên thu gom chưa triệt để.
Những hạn chế nói trên đã dẫn đến việc phát tán lượng rác thải lớn từ hoạt động tháo dỡ lồng, bè vào khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho các phương tiện thủy, đặc biệt là tàu du lịch và gây bức xúc cho du khách tham quan.
Ngay sau khi phát hiện sự gia tăng số lượng lớn phao xốp trôi nổi trên Vịnh trong nửa đầu tháng 3/2023, UBND TP Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo ngay các địa phương tăng cường xử lý. Đồng thời, TP Hạ Long và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chủ động huy động số lượng lớn lên tới gần 80 phương tiện và hàng trăm nhân lực tổ chức liên tục vớt phao xốp và các bè mảng trôi nổi để bảo vệ môi trường trên toàn bộ khu vực Di sản thiên nhiên thế giới.
Ngày 15/4, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực địa khu vực NTTS trên vịnh Hạ Long, những khu vực có phao xốp trôi nổi trên biển. Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong quá trình di dời, tháo dỡ các lồng bè NTTS hạn chế phát tán các chất thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát thực tế để nghiên cứu lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn, phục vụ việc di dời các lồng bè nuôi thủy sản và công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 30/6/2023; kiên quyết cưỡng chế di dời các lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên địa bàn vào vùng đã được quy hoạch vùng nuôi lồng bè thủy sản theo đúng tiến độ chỉ đạo của tỉnh.
Đối với các trường hợp nuôi thủy sản lồng bè trong vùng quy hoạch phải thực hiện sử dụng vật liệu nổi HDPE thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tiếp tục xảy ra hiện tượng vật liệu NTTS thải bỏ trên địa bàn không được thu gom triệt để, tiếp tục trôi ra vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch trên Vịnh.
Đến nay, UBND TP Hạ Long tổ chức ra quân đồng loạt trên địa bàn và các phường ven biển với sự tham gia của trên 500 cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, ngư dân trên địa bàn. Từ cuối tháng 3 đến hết ngày 24/4/2023, tổng lượng rác các lực lượng thu gom được trên vịnh Hạ Long khoảng 9.000m3 phao xốp. Toàn bộ lượng phao xốp được lưu chứa tại các điểm tập kết trên Vịnh và đưa về cảng Bến Đoan, cảng Cụm Công nghiệp Hà Khánh để vận chuyển đi xử lý tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Cao Thành Vinh (CCN Hà Khánh, TP Hạ Long), đơn vị có chức năng xử lý phao xốp đã được Bộ TN&MT cấp phép.
Ông Trần Ngọc Thế, Phó trưởng Phòng TN&MT, TP Hạ Long, cho biết: UBND thành phố đã có văn bản đề nghị các địa phương giáp ranh với khu vực vịnh Hạ Long tăng cường thu gom, xử lý vật liệu NTTS trôi nổi trên biển. Thành phố cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan giám sát chặt chẽ các hoạt động tháo dỡ lồng bè, tổ chức thu gom triệt để phao xốp và vật liệu lồng bè, không để người dân tự tháo dỡ khi không có sự kiểm soát nhằm ngăn chặn ngay từ nguồn, không để phát tán vào khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Quyết tâm của thành phố trước ngày 28/4/2023 sẽ thu gom xong phao xốp trôi nổi trên biển để trả lại màu xanh cho Di sản.
Cùng với TP Hạ Long, các địa phương: Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn cũng đang tích cực huy động tối đa phương tiện, nhân lực triển khai công tác thu gom phao xốp và vận chuyển về bờ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Ghi nhận thực tế cho thấy, các đồng chí lãnh đạo ở các địa phương đã trực tiếp xuống các địa bàn được phụ trách để chỉ đạo, đôn đốc; thành lập các tổ công tác xuống hiện trường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ nhân dân cắt bỏ phao xốp, nhất là ở những địa bàn còn tồn đọng số lượng phao xốp lớn; tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng tham gia làm vệ sinh, thu gom rác thải trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; kêu gọi các tổ chức cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên biển tiếp tục đóng góp nguồn lực (nhân lực, phương tiện, kinh phí...) tham gia thu gom và xử lý phao xốp và rác thải từ hoạt động lồng bè.
Có thể thấy tình trạng bè mảng, phao xốp trôi nổi trên vùng biển của tỉnh là một hiện tượng cục bộ xảy ra trong thời gian ngắn, có thể xử lý được triệt để với sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng. Để giữ được môi trường biển trong sạch lâu dài, bền vững, các địa phương cũng như cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ dân, các doanh nghiệp nuôi trồng, kinh doanh trên biển trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Hoàng Nga
- Thu gom trên 5.000m3 rác thải, phao xốp trên Vịnh Hạ Long
- Vân Đồn: Ra quân tổng lực thu gom phao xốp trên biển
- Tiên Yên: Cắt bỏ gần 13.000/23.000 quả phao xốp trong NTTS
- Trước ngày 28/4 phải thu gom xong toàn bộ phao xốp trôi nổi trên Vịnh Hạ Long
- Chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE: Lan tỏa từ những người tiên phong
Liên kết website
Ý kiến ()