Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:48 (GMT +7)
Cải thiện hiệu quả môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ 7, 26/02/2022 | 07:58:04 [GMT +7] A A
Những năm qua, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình cụ thể hoá với mục tiêu cao nhất là “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng”.
Nổi bật phải kể đến là công tác CCHC, hiện đại hóa nền hành chính công, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến... đã đạt được những kết quả quan trọng. Kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được tăng cường; trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao; tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện tích cực, thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khi Quảng Ninh duy trì 8 năm liên tiếp đứng trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất bảng xếp hạng PCI và 4 năm liên tiếp từ 2017 đến 2020 duy trì ở vị trí quán quân bảng xếp hạng này.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, bắt tay vào triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Quảng Ninh có thuận lợi lớn khi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về môi trường kinh doanh của tỉnh đã và đang duy trì đạt và vượt mức đề ra tại nghị quyết. Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, năng lực cạnh tranh phần nào bị suy yếu, kỳ vọng của doanh nghiệp ngày càng cao và sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng diễn ra quyết liệt, vì vậy cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các sở, ban, ngành và địa phương.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP, UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 19/1/2022, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và giao trách nhiệm cụ thể trong triển khai nội dung quan trọng này.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là năm 2022, tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về PCI và DDCI. Đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh theo hướng sử dụng các nền tảng dùng chung; phấn đấu hầu hết các dịch vụ công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Đến năm 2023, tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu mở, có khả năng chia sẻ và tích hợp đồng bộ, liên thông, hiện đại. Đến năm 2025, hoàn thành toàn diện, đồng bộ quá trình chuyển đổi số vững chắc, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu, thống nhất, an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là hoàn thành đề án chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh sẽ tập trung tối đa vào những tiềm năng, thế mạnh của mình về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, hoạt động biên mậu... Cùng với đó, là mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; phấn đấu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp trong năm 2022; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân và đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh cũng đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và các địa phương thực hiện. Trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản, gồm: Tiếp tục cải cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 131/CTr-UBND ngày 2/7/2021 của UBND tỉnh. Cùng với đó, là việc tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng, như: Chuyển đổi số; bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; giảm nghèo đa chiều và phát triển KT-XH, đảm bảo ANQP vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo; phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Cùng với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đang được tỉnh triển khai, các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cụ thể trên, chắc chắn sẽ giúp Quảng Ninh tiếp tục là “điểm sáng” trong cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành một trong những đầu tàu phát triển của khu vực phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế, trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()