Tất cả chuyên mục

Trường Đại học Hạ Long thành lập tháng 10-2014, ngay trong năm 2015, trường đã tuyển sinh đào tạo trình độ đại học với 5 chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, khoa học máy tính, quản lý văn hoá, quản trị du lịch và lữ hành. Từ năm 2016, nhà trường mở thêm các mã ngành: Quản trị khách sạn, quản lý tài nguyên và môi trường, nuôi trồng thuỷ sản, ngôn ngữ Nhật... Theo chương trình đào tạo đại học, mỗi lớp chuyên ngành có thời lượng giảng dạy khoảng 140 tín chỉ. Dự kiến từ năm 2016 đến năm 2020, trường sẽ mở ít nhất 10 chuyên ngành, số lớp đại học sẽ tăng từ 18 lớp (năm 2016) lên 58 lớp (năm 2020), kiến thức chuyên ngành sẽ có tổng thời lượng khoảng 4.437 tín chỉ, tương ứng với 66.555 giờ dạy.
![]() |
Một giờ thi của lớp Trung cấp nghề du lịch tại Trường Đại học Hạ Long. |
Như vậy, với xu hướng tăng số lớp đại học cũng như tăng chuyên ngành đào tạo, đòi hỏi số giảng viên có trình độ đảm nhiệm tốt công tác giảng dạy chuyên ngành đại học tại trường cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hiện tại, trường có 206 giảng viên, trong đó có 62 giảng viên tham gia giảng dạy 5 chuyên ngành đại học. Số giảng viên chất lượng cao được thu hút theo Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và chính sách thu hút riêng của trường mới chỉ đảm trách được 10-15% kiến thức giảng dạy các tín chỉ phần chuyên ngành đại học.
Chia sẻ về vấn đề thiếu giảng viên trình độ cao giảng dạy các môn chuyên ngành đại học, Thạc sĩ Bùi Văn Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Trường đã có chủ trương những năm tiếp theo tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng thêm giảng viên, cử giảng viên đi đào tạo để có thể đảm nhiệm giảng dạy được toàn bộ kiến thức đại cương và ít nhất 70% số tín chỉ kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, với giải pháp như vậy, số giảng viên trình độ cao đảm bảo giảng dạy các chuyên ngành đại học vẫn chưa đủ. Do đó, cần phải có thêm đội ngũ giảng viên trình độ cao từ các cơ sở giáo dục đại học tham gia giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng cho khoảng 30% khối kiến thức chuyên ngành còn lại, tương đương với 1.308 tín chỉ với 19.620 giờ dạy. Tới đây, trường dự kiến sẽ mời các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện tại, tỉnh chưa có chế độ cụ thể cho các đối tượng này, vì vậy, trường hy vọng, tỉnh sớm ban hành quy định chế độ chi cho các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long. Bởi, qua đó sẽ giúp trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, triển khai chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và bảo đảm chất lượng đào tạo…
Theo đề xuất của Trường Đại học Hạ Long, Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh xây dựng tờ trình về việc “Quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long”, để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XIII. Đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh, cho biết: Dự thảo quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long quy định đối tượng giảng viên thỉnh giảng tại trường gồm: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có thời gian giảng dạy chương trình đại học tại các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước (gọi tắt là giảng viên trong nước); tiến sĩ có quốc tịch nước ngoài đang giảng dạy chương trình đại học tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài (gọi tắt là giảng viên nước ngoài). Giảng viên trong nước sẽ được chi trả 600.000 đồng/giờ dạy đối với giáo sư; 400.000 đồng/giờ dạy đối với tiến sĩ. Đối với giảng viên nước ngoài sẽ chi trả 1.200.000 đồng/giờ dạy. Ngoài ra, được hỗ trợ 300.000 đồng/ngày/giảng viên (tính theo mức tiền ăn thực tế đang thực hiện đối với giảng viên thỉnh giảng) và thời gian hỗ trợ theo số ngày thực tế thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long. Ngoài việc được bố trí nghỉ tại nhà công vụ của trường, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long còn được thanh toán tiền đi lại cho 1 lần thỉnh giảng theo giá vé của phương tiện công cộng phổ biến. Trường hợp sử dụng phương tiện máy bay thì thanh toán theo giá vé khứ hồi hạng phổ thông. Dự kiến, thời gian thực hiện từ ngày 1-9-2016 đến ngày 31-12-2020.
Hy vọng, Nghị quyết “Quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long”, được HĐND tỉnh khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2 này. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hạ Long.
Trúc Linh
Ý kiến ()