Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 01:56 (GMT +7)
Quyết tâm giữ vững “vùng xanh” an toàn, đảm bảo “mục tiêu kép” năm 2021
Thứ 2, 23/08/2021 | 19:34:36 [GMT +7] A A
Ngày 23/8, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và cho ý kiến kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ nay đến cuối năm 2021, cùng nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Việt Nam ghi nhận 8.800 ca mắc mới, trong đó 4 ngày liên tiếp từ 19/8-22/8, số ca mắc mới mỗi ngày vượt ngưỡng 10.000 ca mắc mới. Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh tiếp giáp với Quảng Ninh cũng diễn biến phức tạp, Hải Dương ghi nhận 4 ca mắc mới, Lạng Sơn ghi nhận 23 ca mắc mới, Bắc Giang ghi nhận 27 ca mắc mới. Hà Nội trong tuần qua cũng ghi nhận khoảng 321 ca mắc mới. Tại Quảng Ninh, tính từ ngày 28/6 đến nay, đã qua 55 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới trên địa bàn tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, trong tuần qua, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Trong đó, siết chặt kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh; người ở Quảng Ninh không đi ra khỏi tỉnh nếu không có việc thực sự thiết yếu; thực hiện tổng kiểm tra hành chính trên địa bàn để xác định chính xác số người cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc tầm soát những người có nguy cơ; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Để đảm bảo phòng dịch chuẩn bị cho năm học mới, các cơ sở giáo dục đã phát phiếu kê khai lịch trình di chuyển, hoạt động, tiếp xúc của học sinh, sinh viên từ đủ 14 ngày trước ngày đến trường lần đầu; phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện kiểm soát ngay theo quy định đối với các trường hợp đi qua, tiếp xúc với người từ vùng dịch.
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt do biến chủng Delta lây lan nhanh tại nhiều địa phương trong nước, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh đã kịp thời có các biện pháp linh hoạt để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch; trong đó, huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị toàn tỉnh, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành Y tế, Quân đội, Công an, Biên phòng, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Than. Đến nay, Quảng Ninh vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giữ được vùng xanh an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ quan đơn vị cũng chưa có phương án phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới; có nơi còn lúng túng trong việc thực hiện có kế hoạch và vật tư chuẩn bị trước; thiếu sự liên thông tổng thể, tích hợp về các số liệu, dữ liệu trong việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Một bộ phận người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, vi phạm quy định chống dịch.
Đồng chí nhấn mạnh, trước diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, dự báo từ nay hết tháng 9, Quảng Ninh sẽ chịu những thách thức ngày càng lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Để giữ thành quả trong phòng, chống dịch, tỉnh quyết tâm, kiên trì thực hiện triệt để chiến lược ngăn chặn không để mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh bằng bất cứ hình thức nào. Trong đó, đặt ra yêu cầu siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh; phải tăng cường trách nhiệm trong việc củng cố hoạt động của các chốt, trạm kiểm soát dịch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng, bến thủy nội địa, trên biên giới.
Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động ở cộng đồng, trong các KCN, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở y tế và những nơi có nguy cơ cao để đảm bảo kiểm soát mầm bệnh trong cộng đồng.
Các cơ quan, địa phương đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp, giải pháp của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và sự gương mẫu chấp hành của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện phương án cụ thể ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới và có tổ chức diễn tập thành thục.
Để tạo mọi điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho học sinh Quảng Ninh trong ngày tựu trường, phải kiên quyết giữ địa bàn an toàn; không xét nghiệm diện rộng đối với tất cả học sinh, giáo viên đã và đang nghỉ hè ở Quảng Ninh, chỉ xét nghiệm với các trường hợp đã ra khỏi địa bàn tỉnh về vùng có dịch, chưa thực hiện quy trình cách ly, giám sát y tế. Đối với học sinh là người Quảng Ninh hiện vẫn đang ở các địa phương khác, nhà trường, phụ huynh phối hợp với chính quyền địa phương để có phương án, kế hoạch tổ chức đón con em mình. Khi vào tỉnh, không yêu cầu phải tiêm 2 mũi phòng Covid-19, nhưng phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR và thực hiện cách ly theo quy định.
Để đáp ứng nguồn cung lao động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà thầu có nhu cầu về lao động phải có kế hoạch và báo cáo chính quyền địa phương để lên phương án đón, cách ly, giám sát, theo dõi y tế, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, tạo đồng thuận, ủng hộ, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. MTTQ phát động phong trào toàn dân phòng, chống dịch Covid-19, tố giác, phát hiện những trường hợp cố tình vào địa bàn tỉnh mà không khai báo và chấp hành việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Cấp xã, cấp huyện phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, đẩy mạnh kiểm tra giám sát, đánh giá nhận diện nguy cơ hàng ngày để có biện pháp phù hợp từng địa bàn.
Cũng trong ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021.
Với quyết tâm triển khai thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, tỉnh đã xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2021, đặc biệt là trong bối cảnh chịu tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 để xây dựng, ban hành Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế làm cơ sở và tạo áp lực, gắn với trách nhiệm để các cấp, các ngành triển khai. Trong quá trình thực hiện, dịch bệnh Covid-19 liên tiếp xuất hiện những diễn biến mới, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, tuy nhiên tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu đề ra mà tập trung chỉ đạo, bổ sung những giải pháp trọng tâm, trọng điểm để thực hiện.
Nhờ đó, kinh tế 7 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 trong các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng Sông Hồng. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng 9,64%, đóng góp 5,14 điểm % tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 55,5% GRDP. Động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 34,7%, đã bù đắp một phần sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định. Khu vực dịch vụ, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19. Tổng lượng khách du lịch 7 tháng đạt 2,57 triệu lượt, giảm 55% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 5.029 tỷ đồng, giảm 58% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt 27.516 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, bằng 95% cùng kỳ. Tổng vốn thu hút vốn ngoài ngân sách trên địa bàn đạt trên 282.000 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ 5 tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể của quý III và quý IV, trong đó có dự báo những thuận lợi, khó khăn, tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để mục tiêu tăng trưởng cho từng quý và cho cả năm 2021.
Thống nhất với các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2021, từ nay đến cuối năm phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế để đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh
Trong đó, ngành Than có nhiều tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc. Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Tập đoàn Than lên kế hoạch tổng động viên để tăng sản lượng từ 1-1,5 triệu tấn so với kịch bản đề ra đầu năm. Tổng Công ty Đông Bắc phấn đấu tăng sản lượng 350.000 - 500.000 tấn so với đầu năm. Về phía tỉnh, tỉnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho ngành Than, tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành Than ổn định sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng chung của tỉnh.
Xác định đầu tư công là 1 trong trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành tiến độ các dự án; tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất san lấp, GPMB, lao động và các điều kiện thi công. Trong đó, phải chỉ rõ địa chỉ và gắn trách nhiệm cụ thể.
Đối với các dự án trọng điểm ở khu vực ngoài nhà nước, các ngành tích cực vào cuộc đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án liên quan đến hạ tầng KCN, du lịch dịch vụ, đô thị và khu vực dân doanh.
Trong lĩnh vực chế biến chế tạo, phải tập trung cho các dự án công nghiệp chế biến chế tạo có thể ra sản lượng vào cuối năm cũng như tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo trong các KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Việt Hưng và KCN Cái Lân tăng năng suất, sản lượng, đóng góp tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Riêng về ngành dịch vụ, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ thương mại biên giới và vận tải năm nay có chuyển biến rất tích cực. Vì vậy việc tiếp tục giữ địa bàn an toàn sẽ là cơ hội để thúc đẩy các ngành này đóng góp cho tăng trưởng của tỉnh.
Đối với khu vực nông, lâm, thủy sản, phải giữ vững sản lượng thủy sản để phục vụ thị trường trong và ngoài nước; giữ vững sản lượng lâm nghiệp; tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh ngành nông nghiệp và công tác phòng chống rét trên gia súc, gia cầm.
Về thu chi ngân sách, các cấp, các ngành chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát các khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu từ tiền sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tập trung khai thác nguồn thu mới để bù đắp được các khoản giảm thu, thất thu ở ngành dịch vụ, du lịch và các ngành kinh tế khác.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm của các địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn tỉnh, vốn cấp huyện do huyện làm chủ đầu tư theo đúng chủ trương của tỉnh; vào cuộc tích cực hơn nữa để tập trung GPMB và giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư công, dự án hợp tác công tư; tập trung thu ngân sách theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương và sở, ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()