Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:32 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XIV Quyết nghị nhiều chính sách quan trọng phù hợp với thực tiễn
Thứ 3, 31/10/2023 | 20:07:04 [GMT +7] A A
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp đã quyết nghị thông qua 12 nghị quyết. Đây đều là những nghị quyết quan trọng, nhận được sự quan tâm của các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, nhân dân, có tác động tích cực đến đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh phúc lợi xã hội trên địa bàn.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian đánh giá, phân tích, thảo luận làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước. Trong đó nổi bật là: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; điều chỉnh, phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2023, trên cơ sở rà soát kỹ, đánh giá tác động của việc điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo các chủ trương của trung ương, của tỉnh; chủ trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 338, đoạn từ nút giao đường dẫn cầu Bến Rừng đến QL18...
Theo Chủ tọa kỳ họp, đây đều là những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, có tác động lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó có những việc khó khăn lớn hơn thuận lợi, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, ăn khớp, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Báo cáo mới đây của UBND tỉnh cho thấy, đến ngày 27/10 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh mới đạt 48,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (53%). Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm là do thiếu hụt nguồn thu tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư kéo dài, GPMB, xử lý tài sản công, PCCC...
Từ vấn đề đặt ra, các đại biểu thống nhất, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư công cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn để phấn đấu đến ngày 31/12 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch. Theo đó, đối với kế hoạch vốn năm 2023, các đại biểu đồng tình điều chỉnh giảm trên 1.560 tỷ đồng của 2 dự án. Cụ thể: Giảm 700 tỷ đồng của Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600; điều chỉnh giảm trên 860 tỷ đồng của Dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1) - Tiểu dự án 2, phần xây dựng. Đồng thời đồng tình điều chỉnh giảm trên 280 tỷ đồng của 7 dự án và 1 chương trình không có khả năng giải ngân trong kế hoạch 2023.
Bên cạnh điều chỉnh giảm nguồn vốn đầu tư năm 2023, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao việc cần thiết phải điều chuyển nguồn vốn tiết kiệm chi thường xuyên trên 1.700 tỷ đồng sang chi đầu tư phát triển. Đồng thời cần thiết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh, với số tiền trên 5.190 tỷ đồng.
Đại biểu Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn điều chỉnh, phân bổ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhưng dừng triển khai, để đăng ký giảm kế hoạch; khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án đã được đưa vào kế hoạch trung hạn còn chậm, hiện còn 28 dự án chưa xong thủ tục phê duyệt dự án.
Một nội dung quan trọng khác được đại biểu tham dự kỳ họp quan tâm, tập trung trao đổi, thảo luận, đó là phê duyệt chủ trương đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 338, đoạn từ nút giao đường dẫn cầu Bến Rừng đến QL18. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 783 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026, có chiều dài tuyến khoảng 6,84km, thuộc dự án nhóm B, đường cấp III đồng bằng.
Đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Bí thư Thành ủy Uông Bí, Tổ đại biểu TP Uông Bí, đánh giá: Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, đảm bảo theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đại biểu đề nghị, trong quá trình thực hiện dự án cần đảm bảo đồng bộ, kết nối với các tuyến hành lang giao thông hiện trạng, mở rộng nút giao với QL18 nhằm phát huy hiệu quả tối đa lợi ích dự án mang lại.
Đại biểu Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy Quảng Yên, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, đề nghị: Các đơn vị thực hiện dự án cần nghiên cứu kỹ các phương án kết nối với các tuyến đường, nhất là phối hợp với chủ đầu tư ngoài ngân sách của dự án tuyến đường vào Khu phức hợp Hạ Long Xanh để đảm bảo sự đồng bộ trong sử dụng.
Tiếp tục kéo dài một số chính sách hỗ trợ đặc thù
Kỳ họp cũng xem xét, nghiên cứu ban hành một số nghị quyết đặc thù gắn liền với lợi ích thiết thực của người dân, đảm bảo cho yếu tố phát triển bền vững và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công. Nổi bật trong số đó có Nghị quyết về tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND (30/7/2019) và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND (31/3/2020) của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg (4/6/2021) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các đại biểu, việc tiếp tục thực hiện 2 nghị quyết nói trên là hoàn toàn phù hợp, khi tỉnh Quảng Ninh đang tích cực thực hiện mục tiêu đảm bảo mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng kinh tế bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy, qua một thời gian thực hiện 2 nghị quyết, trên địa bàn tỉnh đã có 359 cơ sở giáo dục với 75.358 lượt đối tượng thụ hưởng, tổng kinh phí chi trả 167,3 tỷ đồng. Các chính sách này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng quy mô huy động trẻ, học sinh ra lớp, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày; giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh phát triển toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ, Tổ đại biểu TP Hạ Long, cho rằng: 2 nghị quyết kể trên khi mới ban hành là đòn bẩy cho ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Qua quá trình thực hiện, 2 nghị quyết đã đem đến nguồn năng lượng mới, thúc đẩy nền giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển. Hiện điều kiện kinh tế - xã hội ở các xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và khó khăn của tỉnh cơ bản được cải thiện so với trước đây, nhưng đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, các đối tượng trẻ em, học sinh vẫn cần có chính sách hỗ trợ trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, ổn định hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, việc ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục thay thế cho 2 nghị quyết nêu trên là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nghị quyết tiếp tục thực hiện 2 nghị quyết nói trên bao gồm 8 chính sách: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ học sinh năng khiếu thể thao; hỗ trợ cho học viên giáo dục thường xuyên. Đây đều là những chính sách thiết thực, gắn liền với lợi ích của người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu: Ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của kỳ họp lần này cũng như các nghị quyết của HĐNĐ tỉnh còn hiệu lực, đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, nhất là các nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Cùng với đó cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư công và hoàn thiện các thủ tục đầu tư; khắc phục tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ của một bộ phận CBCCVC, nhất là người đứng đầu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, hiệu quả sau đầu tư, thu hồi vốn tạm ứng quá hạn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đầu tư công là nguồn nội lực, động lực, trụ cột quan trọng tạo ra tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế - xã hội... Do đó càng phải cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương liên quan trong từng khâu công việc; lấy kết quả, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()