Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:12 (GMT +7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS
Thứ 3, 10/05/2022 | 08:38:22 [GMT +7] A A
Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đây là động lực để toàn tỉnh tiếp tục hoàn thành toàn diện những mục tiêu đặt ra, xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, trách nhiệm cụ thể, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU. Đây là căn cứ, cơ sở để các ngành, địa phương lượng hóa, kiểm đếm công việc.
Việc phân bổ kế hoạch vốn thực hiện Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và Chương trình xây dựng NTM được rà soát kỹ. Năm 2022, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ 950 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM và Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đến nay, đã phân bổ chi tiết 100% vốn kế hoạch giao năm 2022, đảm bảo tính khả thi cao khi triển khai. Trong đó, ưu tiên vốn đầu tư cho tuyến cơ sở địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
UBND tỉnh hoàn thiện Đề án “Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, giai đoạn 2021-2025” với tổng kinh phí khoảng 3.100 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh khoảng 1.080 tỷ đồng từ Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành rà soát, đề xuất với tỉnh nguồn lực để hỗ trợ đầu tư các công trình dự án mang tính cấp thiết, có tính động lực để thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Đồng thời, cân đối nguồn lực của huyện để tập trung hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn. Huyện tích cực kêu gọi nguồn xã hội hóa và nguồn vốn nhân dân đóng góp để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn… Đến nay, đã hoàn thành xây dựng kế hoạch đầu tư công mang tính dài hạn, động lực, kết nối liên vùng, kiến nghị sát thực, được tỉnh chấp thuận hỗ trợ vốn đầu tư 6 công trình động lực, có tổng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, như: Cải tạo tuyến đường từ QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; hồ chứa nước Khe Tâm; Trường PTDT nội trú huyện; Trường THPT huyện; Trung tâm thể thao huyện Ba Chẽ. Qua đó tiếp tục tạo dư địa lớn cho tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, tập trung triển khai một số dự án giao thông động lực, kết nối vùng động lực với vùng khó khăn và các cửa khẩu. Năm 2022, 7 dự án giao thông động lực kết nối vùng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, như: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); đường giao thông từ trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng Lâm; cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C huyện Bình Liêu; cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu và huyện Ba Chẽ…
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn được đẩy mạnh.
Theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, năm 2022, để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển sản xuất, huyện chỉ đạo tập trung thực hiện chỉ tiêu trồng rừng tập trung và rừng gỗ lớn, dự kiến trồng 200 cây gỗ lớn. Huyện đã phát động trồng cây gỗ lớn, cây bản địa và hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện năm 2022. Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 52.530 cây phân tán, 34ha rừng tập trung. Huyện tiếp tục quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng đồng bào DTTS; dự kiến năm nay mở 8 lớp đào tạo nghề NTM cho 160 học viên.
Những kết quả tích cực đạt được trong quý I/2022 là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU trong năm 2022; góp phần xóa dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển của tỉnh.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()