Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:47 (GMT +7)
Quyết liệt giảm các ca chuyển nặng, ca tử vong vì Covid-19
Thứ 5, 16/12/2021 | 17:07:12 [GMT +7] A A
Chiều 16/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá tình hình, đề ra giải pháp cụ thể với mục tiêu giảm số ca chuyển nặng, ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, đặc biệt sự xuất hiện của chủng mới Omicron mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lây lan nhanh, độc lực chưa thể đánh giá hết. Hơn nữa, một số nước chung quanh đã xuất hiện chủng mới Omicron, do đó Thủ tướng yêu cầu không được lơ là, chủ quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình dịch hiện nay còn phức tạp; tại một số tỉnh, số ca tử vong chưa kiểm soát được; vấn đề y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa được quán triệt, tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc, cho nên các địa phương vẫn còn lúng túng khi dịch diễn biến phức tạp.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu cần bàn bạc kỹ lưỡng, đánh giá trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể, thực chất để quyết liệt, ngăn chặn các ca nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca chuyển nặng, kiểm soát bằng được các ca tử vong.
Muốn vậy, theo Thủ tướng, cần tập trung bàn giải pháp tăng tốc tiêm chủng, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải hoàn thành tiêm vaccine đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên.
Thủ tướng yêu cầu bàn vấn đề thúc đẩy tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi để cho các em sớm quay trở lại trường học. Vấn đề tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên cũng đang xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền. Cuộc họp này cũng bàn vấn đề thuốc điều trị Covid-19, tăng cường y tế dự phòng...
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thống kê chi tiêu cho phòng, chống dịch năm nay, trong đó thống kê cả chi Nhà nước, viện trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gửi Bộ Tài chính để tính toán, dự trù nguồn lực phòng, chống dịch cho năm 2022 để không bị động, lúng túng, bất ngờ.
Qua 2 năm chống dịch phải rút ra bài học kinh nghiệm để dự báo, đề ra giải pháp. Thủ tướng yêu cầu phải chủ động, tích cực chuẩn bị ứng phó tình hình. “Chúng ta vẫn phải mở cửa nền kinh tế, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Khi chúng ta phải dùng biện pháp hành chính kiểm soát dịch bệnh thì sẽ gây thiệt hại lớn. Các tỉnh nên đánh giá đúng tình hình, nêu rõ khó khăn, đề xuất thẳng thắn; phải có giải pháp phù hợp, quyết tâm để bao phủ vaccine vì số người chuyển nặng chủ yếu do chưa tiêm vaccine hoặc chống chỉ định tiêm vaccine. Nếu chúng ta biết nguyên nhân mà không làm thì là có lỗi với nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương trên cả nước.
Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía nam có số ca nặng và tử vong cao. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà.
Bộ cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát tại các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông...; tổ chức giao ban về công tác điều trị với các tỉnh phía nam để kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh trong công tác điều trị Covid-19; tiếp tục khảo sát, đánh giá tình hình thu dung điều trị và nguyên nhân tử vong để có giải pháp phù hợp.
Thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất các giải pháp: thường xuyên rà soát, cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn trong bối cảnh Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú. Truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K; truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định. Tổ chức chiến dịch Bảo vệ người có nguy cơ trên toàn quốc từ ngày 17 đến 31/12/2021 (Quản lý người thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc ngóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội).
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()